Trong sự kiện Đại hội Đảng Trung Quốc mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của sức mạnh kinh tế Trung Quốc và tuyên bố Trung Quốc đã gia nhập nhóm những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới.
Đối với nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh và doanh nhân, khoảng thời gian 10 năm qua đã mang đến cho họ lượng tài sản lớn chưa từng có. Tuy nhiên những ưu tiên chính trị cũng đã tạo ra nhiều thay đổi lớn. Hơn hết, chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp.
Nikkei Asean Review đã thống kê lại những thay đổi lớn nhất trong kinh doanh Trung Quốc trong khoảng thời gian một thập kỷ dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhận định về những thay đổi sẽ đến trong thời gian tới:
Công nghệ
Nhóm các doanh nghiệp hàng đầu trong nhóm các doanh nghiệp công nghệ tiêu dùng
• Alibaba Group Holding
• Tencent Holdings
• Baidu
• Bytedance
Các doanh nghiệp công nghệ tiêu dùng Trung Quốc đã vươn tầm trở thành các doanh nghiệp quy mô toàn cầu dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, họ có quy mô và tầm cỡ sánh ngang hoặc thậm chí vượt các đối thủ Mỹ và phương Tây.
Năm 2014, tập đoàn Alibaba tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) quy mô 25 tỷ USD. Đợt IPO này có quy mô lớn nhất thế giới ở thời điểm đó, nó chính thức đưa tỷ phủ Jack Ma vươn tầm thế giới. Alibaba và Tencent Holdings từ đó đến nay đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc, mang đến cho người tiêu dùng Trung Quốc công cụ, phương thức giải trí, thanh toán, vay tiền, dùng mạng xã hội, lưu trữ dữ liệu và tất cả mọi loại hình dịch vụ chính phủ khác. Nhiều doanh nghiệp khác ví như Pinduoduo hay JD.com cũng phát triển thành những phiên bản kiểu như Amazon của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian phát triển bùng nổ trên cũng đã có những thay đổi lớn. Ngày 16/10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: "Chúng tôi sẽ cải thiện hệ thống để thực hiện kiểm soát toàn diện hơn không gian mạng và đảm bảo môi trường trực tuyến lành mạnh nhất".
Ngành công nghệ Trung Quốc bắt đầu bị siết chặt quản lý vào năm 2020, giá cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ đồng loạt lao dốc. Nổi bật nhất phải kể đến việc vụ IPO của tập đoàn tài chính Ant do tỷ phú Jack Ma làm chủ đã bị hủy. Ngoài ra, doanh nghiệp sở hữu ứng dụng gọi xe Didi Global đã phải hủy niêm yết cổ phiếu khỏi sàn chứng khoán Mỹ và chịu phạt 1,1 tỷ USD vì đã vi phạm luật bảo vệ an ninh dữ liệu cũng như thông tin người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp cũng chịu phạt vì quy định chống độc quyền hay các quy định hạn chế, ví như hạn chế với hoạt động phát triển và kinh doanh trò chơi trực tuyến.
Trước các áp lực dâng cao từ giới chức, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh cũng như tuân thủ chặt chẽ luật pháp hơn, phục vụ cho mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng chịu chỉ trích tại Mỹ khi mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có những khác biệt và đối đầu. Hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc đối diện với rủi ro bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nếu phía Mỹ không thể tiếp cận được với toàn bộ sổ sách kiểm toán của doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhà đồng sáng lập tại quỹ Gobi Partners, ông Thomas Tsao, nhận định: "Giới chức Trung Quốc đã không còn khuyến khích cho mô hình phát triển tiêu tốn nhiều tiền nhắm đến người tiêu dùng Trung Quốc, giờ đây họ muốn tập trung phát triển công nghệ lõi".
Ngân hàng
Nhóm các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc
Ngân hàng Bank of China
Dưới thời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các ngân hàng Trung Quốc đã được chỉ đạo để phục vụ cho các mục tiêu chính trị cho nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định ngành ngân hàng cần phải sử dụng tốt nhất lượng tài sản và nguồn lực hiện có để phục vụ cho nền kinh tế, trong đó có bao gồm việc cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vay tiền.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này không phải lúc nào cũng tốt cho bảng cân đối kế toán và ngành ngân hàng nói chung, nợ xấu tăng khi tăng trưởng kinh tế chững lại. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2022, nợ xấu trong ngành ngân hàng đã tăng gần gấp 5 lần.
Nhu cầu tín dụng tại Trung Quốc đã tăng chóng mặt từ năm 2014 nhờ vào việc Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ. Từ năm 2019, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế tín dụng vào bất động sản, tuy nhiên vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng đã buộc giới chức phải thay đổi định hướng chính sách và vẫn duy trì cấp tín dụng cho các dự án bất động sản thực sự cần nó. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu nhóm sáu ngân hàng lớn nhất, mỗi ngân hàng phải cung cấp ít nhất 100 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ cho người mua nhà và doanh nghiệp bất động sản.
Chuyên gia kinh tế tại tổ chức Natixis Hồng Kông, ông Gary Ng, khẳng định rằng các ngân hàng nhỏ có ít nguồn lực hơn nhóm các ngân hàng lớn, chính vì vậy danh mục tín dụng của họ không thể đa dạng như vậy.
Trong thời gian tới, ông Ng nhận định sẽ có nhiều sự khác biệt hơn nữa giữa nhóm các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn bởi nhóm thứ hai có nhiều sự ủng hộ của nhà nước hơn.
Bất động sản
Nhóm doanh nghiệp hàng đầu
• Evergrande
• Country Garden
• China Vanke
• Poly Developments
• Longfor
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố chấm dứt sự tăng trưởng quá nóng của thị trường bất động sản Trung Quốc đại lục: "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ".
Thông điệp này được đưa ra trong hội nghị cuối năm 2016 bàn về chương trình nghị sự kinh tế Trung Quốc, nó đã trở thành điểm nhấn chính trong định hướng chính sách bất động sản của Bắc Kinh với các doanh nghiệp. Trong nhiều văn kiện quan trọng của chính phủ Trung Quốc cũng như các bài phát biểu quan trọng nhất, Chủ tịch Trung Quốc cũng đều nhắc đến mục tiêu này.
Sự thay đổi đột ngột về chính sách đã gây ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp bất động sản tư nhân vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp bất động sản tư nhân trong đó có Evergrande đã tăng trưởng mạnh trong khoảng vài thập kỷ qua bởi nhu cầu nhà đất tăng cao, tuy nhiên cũng còn bởi kỳ vọng giá tăng do đầu cơ.
Ngày 16/10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói đến định hướng khuyến khích phát triển thị trường bất động sản trong tương lai: "Chúng ta sẽ hành động nhanh để xây dựng hệ thống nhà ở khuyến khích cả việc thuê và mua nhà".
Trước đây từng có thời gian, các tỷ phú bất động sản Trung Quốc luôn trong nhóm những người giàu nhất đất nước. Ở thời điểm năm 2012 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, khoảng nửa trong 10 người giàu nhất Trung Quốc theo danh sách của Forbes là tỷ phú bất động sản trong đó phải kể đến tỷ phú Xu Jiayin của Evergrande và Yang Huiyan của tập đoàn Country Garden. Tuy nhiên, trong thống kê mới nhất công bố vào tháng 4/2022, toàn bộ các tỷ phú bất động sản đã "biến mất" khỏi danh sách này.
Biến động trong ngành bất động sản đồng thời gây ra nhiều thay đổi rất lớn với tình hình tài chính của nhiều chính quyền địa phương. Tính từ chương trình cải cách thuế năm 1994, chính quyền các địa phương đã mất nhiều nguồn lực để hỗ trợ về chính quyền trung ương. Đổi lại, họ được tiếp cận với toàn bộ các thu nhập có được từ đấu giá đất. Đã nhiều năm nay, đây là nguồn doanh thu chính cho chính quyền các địa phương, tuy nhiên khi mà các doanh nghiệp bất động sản đã mất đi nguồn lực, doanh số bất động sản giảm và chính quyền nhiều địa phương vô cùng khó khăn về tài chính.