vĐồng tin tức tài chính 365

USD tăng giá mạnh gây áp lực lên nhà kinh doanh

2022-10-22 06:35

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/-5%. Đây là lần đầu tiên cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nới biên độ giao dịch trong vòng bảy năm trở lại đây.

USD tăng giá mạnh gây áp lực lên nhà kinh doanh ảnh 1

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, gây áp lực lên tỉ giá và lãi suất. Ảnh: TL

Tỉ giá đồng loạt tăng

Sau sự điều chỉnh trên, giá USD trên cả thị trường chính thức và phi chính thức đồng loạt tăng mạnh. Đơn cử, ngày 21-10, giá USD trên thị trường tự do tăng vượt mức 25.000 đồng/USD. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Tính chung giá mỗi USD tự do hiện tăng thêm khoảng 1.500 đồng so với hồi đầu năm. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD giao dịch mua - bán ở mốc 24.500-24.850 đồng/USD. Trên thị trường thế giới, chỉ số đô la đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với rổ tiền tệ tăng hơn 15% so với đầu năm.

Như vậy có thể thấy đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên đồng tiền Việt và hàng loạt đồng tiền các nước. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng UOB nhận định rằng đồng Việt Nam không thể tránh khỏi sự suy yếu chung của các đồng tiền trên toàn châu Á bởi sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD. Tuy nhiên, tiền đồng Việt Nam vẫn được xem là một trong những đồng tiền ổn định nhất và có mức mất giá thấp so với USD.

Việc nới biên độ giao dịch VND/USD sẽ có tác động nhất định tới nền kinh tế nhưng trong tầm kiểm soát.

Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng việc nới biên độ tỉ giá lên +/-5% của NHNN khiến các lĩnh vực có thể chịu tác động tiêu cực như hàng không, thép, tiện ích, tập đoàn đa ngành. Ví dụ với ngành hàng không, chi phí thuê máy bay chủ yếu phải trả bằng USD trong khi doanh thu quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đang có vốn vay bằng ngoại tệ cũng chịu chi phí lãi vay tăng lên đáng kể.

Trong khi đó tỉ giá tăng lại tác động tích cực đối với ngành hóa chất, thủy sản, khu công nghiệp... Chẳng hạn, đối với ngành thủy sản xuất khẩu, hơn 60% tổng doanh thu là từ thị trường Mỹ nên việc đồng USD tăng giá sẽ có tác động tích cực. Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhìn nhận giá USD tăng cao giúp các công ty thủy sản được hưởng lợi, khi phần lớn các giao dịch hiện đều thanh toán bằng USD. Tuy vậy, các công ty thủy sản cũng đang đối mặt với tình trạng phải giảm giá xuất khẩu để cạnh tranh với sản phẩm nước khác, trong khi phải tăng giá thu mua nguyên liệu do nguồn cung thiếu.

Đồng tiền nhiều nước
giảm giá mạnh

Theo thống kê của NHNN, từ cuối năm ngoái tính đến sáng 30-9-2022, hầu hết đồng tiền đều mất giá mạnh so với USD, biên độ giảm dao động từ khoảng 10%-20% so với USD.

Ví dụ, đồng baht của Thái Lan giảm 14,35%; đồng yen của Nhật giảm 25,72%; đồng won Hàn Quốc giảm 20,34%; nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 12%; đồng euro giảm 13,8%; đồng bảng Anh giảm 18,03%.

Hạn chế tác động tiêu cực của biến động tỉ giá

Ông Nguyễn Thế Minh, chuyên gia kinh tế, phân tích: Việc NHNN điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay lên mức +/-5% là phù hợp với thực tế thị trường. Động thái này cũng đồng nghĩa với việc nhà điều hành chấp nhận biến động tỉ giá USD/VND cao hơn so với thời điểm trước đây.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán khoảng hơn 20 tỉ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối nhưng vẫn chưa thể kìm hãm được đà tăng của tỉ giá, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang duy trì quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tỉ giá tăng cũng đồng nghĩa tiền đồng giảm giá sẽ có lợi cho các công ty xuất khẩu. Nhưng khi mức độ giảm giá của tiền đồng so với USD chỉ khoảng 6% thì tại Thái Lan, Philippines, Ấn Độ… có mức giảm giá tiền tệ so với USD lên tới trên 10% giúp cho các đơn hàng nhập khẩu từ những nước này trở nên rẻ hơn, hấp dẫn hơn so với Việt Nam. Cho nên nếu mức độ giảm giá của tiền đồng còn thấp như hiện tại cũng làm giảm sức cạnh tranh của thị trường xuất khẩu Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực.

Tỉ giá tăng cũng tạo áp lực lên các công ty nhập khẩu bởi họ sẽ phải chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu nguyên vật liệu. Đáng chú ý, những ngân hàng trước đây vay ngoại tệ từ nước ngoài chỉ phải chịu bảo hiểm rủi ro tỉ giá khoảng 1% thì nay loại bảo hiểm này đã tăng lên.

Để ứng phó với biến động tỉ giá, nhiều chuyên gia khuyến nghị các công ty xuất nhập khẩu nên sử dụng các hợp đồng hoán đổi, hợp đồng mua bán kỳ hạn để đảm bảo các hoạt động xuất nhập khẩu được ổn định. Đồng thời, các nhà xuất nhập khẩu cần chú ý đến tỉ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và các đồng tiền thanh toán khác để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng duy nhất đồng USD. Song song đó có thể lựa chọn các ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái tốt.

Về phía NHNN, cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường. Đặc biệt, trước nguy cơ USD bị tuồn ra “chợ đen”, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý ngoại hối.•

Tỉ giá vẫn trong tầm kiểm soát

NHNN cho biết từ đầu năm đến nay, tỉ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế. Tiêu biểu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng USD quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%; xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn làm giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao; cân đối cung - cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt. Qua đó để tỉ giá diễn biến linh hoạt hơn vừa giảm cú sốc bên ngoài vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.

Nhờ đó, chín tháng đầu năm, đồng Việt Nam mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Việc nới biên độ giao dịch VND/USD sẽ có tác động nhất định tới nền kinh tế nhưng trong tầm kiểm soát. Cán cân thương mại của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

THÙY LINH

Xem thêm: lmth.863407tsop-hnaod-hnik-ahn-nel-cul-pa-yag-hnam-aig-gnat-dsu/nv.olp

“USD tăng giá mạnh gây áp lực lên nhà kinh doanh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools