Đôi khi chỉ cần sự quan tâm, lắng nghe là "sơ cứu" được những vấn đề tâm lý
Chỉ cần có vấn đề về tâm lý, bạn có thể gọi đến đường dây nóng Ngày mai để được sơ cứu.
Chị Nguyễn Minh Quyên (điều phối viên dự án)
Đôi khi chỉ cần biết có ai đó đang đợi tin mình vào ngày mai có thể giúp người đang gặp khủng hoảng tâm lý thoát khỏi giây phút đen tối nhất.
Sơ cứu tâm lý
Tính đến tháng 8-2022, đường dây nóng Ngày mai 096.306.1414 tiếp nhận khoảng 3.400 cuộc gọi đến với 64.000 phút đàm thoại gọi từ khung giờ 13h - 20h30 các ngày từ thứ tư đến chủ nhật. Với những trường hợp cần kíp, nhóm dự án sẽ hỗ trợ tư vấn qua fanpage hoặc email.
Kể từ tháng 5-2021, đường dây nóng Ngày mai do tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành sáng lập chính thức đi vào vận hành. Họ đã tiếp nhận hàng ngàn cuộc điện từ khắp nơi với mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp dịch vụ sơ cứu và hỗ trợ tâm lý miễn phí qua điện thoại cho người trầm cảm và người thân của họ.
Bên cạnh đó, dự án cũng hướng đến mục tiêu cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết giúp phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần cho cộng đồng.
"Khi mở đường dây nóng, chúng tôi - những người trẻ - nghĩ rằng có thể hỗ trợ cho đối tượng cũng là người trẻ một cách tốt nhất. Tuy nhiên khi thực hiện, chúng tôi nhận ra không chỉ có người trẻ đang gặp khó khăn về mặt tâm lý mà còn rất nhiều người khác cũng đang vật lộn với khủng hoảng tâm lý trong bóng tối" - chị Nguyễn Minh Quyên, điều phối dự án, chia sẻ.
Không chỉ riêng áp lực học tập, áp lực gia đình và trầm cảm sau sinh, các trường hợp gọi điện đến hotline còn gặp vấn đề "theo mùa". Người điều phối dự án chia sẻ đặc biệt vào mùa thi số lượng cuộc gọi gọi đến hotline gia tăng, hoặc khi xã hội xảy ra sự kiện nóng liên quan đến tâm lý thì cuộc điện thoại gọi đến hotline cũng gia tăng theo vấn đề đó.
Chị Quyên chia sẻ vào dịp tháng 4 vừa qua, sau câu chuyện của nam sinh ở Hà Nội gieo mình tự tử từ tầng 28, số lượng phụ huynh gọi điện đến gia tăng vì lo lắng cho tình trạng của các con.
"Sự hỗ trợ của chúng tôi theo đúng mục tiêu là sơ cứu và hỗ trợ tâm lý ban đầu. Thông qua các cuộc điện thoại tư vấn, có trường hợp bạn trẻ phản hồi lại là đã vượt qua được khó khăn về tâm lý.
Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp vấn đề trầm trọng hơn, chúng tôi sẽ hướng dẫn, chia sẻ thông tin về chuyên gia, các trung tâm, bệnh viện để các bạn đến kiểm tra, khám chữa bệnh sau đó", điều phối viên dự án đường dây nóng Ngày mai cho hay.
Thế nhưng, nhóm dự án nhận ra không phải bạn trẻ nào cũng có đủ năng lực tài chính để tiếp nhận tham vấn, trị liệu, điều trị bằng thuốc. Sau hơn một năm vận hành đường dây nóng, nắm bắt được thực trạng khó khăn của người trẻ, nhóm dự án tiếp tục lên ý tưởng vận hành "Quỹ hỗ trợ cho người trầm cảm" - ra mắt đúng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10-10.
Dù đang phải làm full time công việc ở công ty, chị Nguyễn Minh Quyên vẫn dành thời gian hỗ trợ vận hành đường dây nóng cùng với hàng chục tình nguyện viên khác. Là người trẻ tham gia hoạt động xã hội, hễ nhận thấy có một vấn đề xã hội nảy sinh là Quyên rất mong được đóng góp và giải quyết được vấn đề đang xảy ra trong xã hội ở một góc độ nào đó.
"Với căn bệnh trầm cảm, khi xã hội còn chưa biết đến nhiều, còn đang nói vui với nhau rằng "ôi, hôm nay trầm cảm quá" mà chưa nhìn nhận đúng về vấn đề này, chúng tôi mong muốn làm điều gì đó để chung tay hỗ trợ và nâng cao nhận thức các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần cho cộng đồng", chị Quyên mong muốn.
Tình nguyện viên hỗ trợ vận hành hotline của dự án đường dây nóng Ngày mai cung cấp dịch vụ sơ cứu và hỗ trợ tâm lý miễn phí qua điện thoại cho người trầm cảm - Ảnh: H.THANH
Cần được lắng nghe
Ngày càng có nhiều người trẻ đang phải đối mặt với áp lực trong cuộc sống mà không được chia sẻ, không được lắng nghe, điều đó rất dễ khiến họ rơi vào trầm cảm. Đôi khi điều họ cần chỉ đơn giản là được lắng nghe...
Có một tâm sự mà các tình nguyện viên trực đường dây nóng Ngày mai đã kể cho chúng tôi nghe nhưng đề nghị không nêu tên. Một bạn ở đầu dây bên kia đã trải lòng thế này:
"Em trầm cảm cũng 4, 5 năm rồi nên dường như em và "nó" đã thân nhau. Có những thời điểm mấy ngày em không ăn không uống, chỉ nằm bẹp trên giường. Rồi em tỉnh dậy, xỏ giày đi ra phố, ghen tị với lũ chim hót líu lo, phát hiện ra cây hoa giấy đã vươn thêm một nhánh. Tự nhiên em thèm sống đến lạ...
Những gì chị nói làm em xúc động vô cùng, chưa từng ai nói với em về cái đẹp bên trong em, về tình thương và sự ngọt lành tử tế đến thế. Em có thể gọi lại nhiều lần sau đúng không chị? Chỉ cần có người nghe em nói chuyện, chỉ cần được sẻ chia thôi. Thật may vì có Ngày mai vẫn ở bên em"...
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, đồng sáng lập đường dây nóng Ngày mai, khuyên các bạn trẻ cần trang bị cho mình kiến thức, theo dõi bản thân và người thân để nhận biết sớm những dấu hiệu của stress, rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm.
"Đã đến lúc phải coi những rối loạn này là những vấn đề sức khỏe như gãy chân hay đau dạ dày, không coi thường, không mặc cảm hay định kiến rằng người có chúng là người yếu đuối, kém cỏi hay tâm thần. Cần tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ, chuyên gia sớm", tiến sĩ Giang nói.
Ông cũng gợi ý cho các bạn trẻ cần thay đổi cuộc sống để giảm thiểu stress và các yếu tố độc hại khác cho sức khỏe tinh thần ví dụ như áp lực vượt ngưỡng chịu đựng của cá nhân trong việc thành đạt, kiếm tiền.
Bên cạnh vận hành đường dây nóng Ngày mai, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang hiện đang triển khai dự án mới mang tên Vườn Xả tại Buôn Ma Thuột như một nơi chữa lành giúp những người đang lạc lối tìm lại bản thân, nạp thêm năng lượng và có hy vọng được hiểu và lắng nghe.
Lắng nghe nỗi buồn, trao đi tích cực
Anh Hà Tuấn Linh (29 tuổi) suốt mấy năm qua đã tiến hành hoạt động hỗ trợ, đồng hành với các cá nhân đang gặp vấn đề về tâm lý. Linh chia sẻ thông thường anh sẽ đóng vai trò là người lắng nghe, không cần đưa ra bất cứ lời khuyên hay gợi ý nào vì đơn giản là người đang gặp vấn đề về tâm lý đang cần người có thể lắng nghe họ.
Tiếp đến anh là người khai vấn, đặt câu hỏi và đưa ra gợi ý để các bạn tự đưa ra câu trả lời và giải đáp cho vấn đề đang kẹt lại và cuối cùng chia sẻ những trải nghiệm.
"Mình đón nhận những câu chuyện buồn và gửi gắm lại sự tích cực. Lòng mình mở rộng hơn khi sẵn sàng cho đi và đón nhận lại những sự thật từ câu chuyện, cảm xúc có niềm vui, nỗi buồn... Một nút thắt gì đó không gọi được tên nhưng lại được tháo gỡ khi đồng hành", Linh chia sẻ.
Phòng tham vấn tâm lý đã được triển khai ở các trường học, nhưng thực tế hầu như đều bị "tê liệt", không hoạt động, chỉ được xem như phòng nghỉ cho học sinh khi gặp vấn đề về sức khỏe hay học sinh phạm lỗi được đưa vào phòng để thầy cô "thanh tra".
___________________________________________
Kỳ tới: Khoảng trống tham vấn tâm lý học đường
TTO - Stress, trầm cảm thường có dấu hiệu ban đầu như thế này - thu mình lại, không thích, thậm chí ghét, sợ hãi tiếp xúc người khác.