Qaanaaq, nằm ở Bắc Greenland, Đan Mạch là thị trấn có người sinh sống xa nhất ở cực bắc thế giới. Những cư dân ở đây chính là một trong số những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu.
Băng vĩnh cửu không còn “vĩnh cửu”
Phiến băng Greenland là phiến băng lớn thứ 2 thế giới, bao phủ khoảng 80% bề mặt cả quần đảo khổng lồ này. Khi nó tan chảy hoàn toàn, lượng nước biển trên Trái Đất sẽ dâng cao thêm khoảng 7m. Vài thế kỷ gần đây, lượng băng tan tại Greenland chiếm đến 20%-25% nguyên nhân khiến mực nước biển dâng.
Qaanaaq, ở Bắc Greenland là thị trấn có người sinh sống tự nhiên ở tận cùng cực bắc thế giới
Kỷ lục buồn về tốc độ băng tan tại Greenland ngày càng xuất hiện dày đặc. Mùa hè năm 2019, Greenland mất 532 tỉ tấn băng và khiến mực nước biển toàn cầu tăng vĩnh viễn thêm 1,5mm. Chỉ trong 3 ngày từ 15 đến 17/7 năm nay, lượng băng tan chảy tại đây là 6 tỉ tấn/ngày, đủ để lấp đầy 7,2 triệu hồ bơi chuẩn Olympic.
Băng tan không chỉ do Trái đất nóng lên mà còn do sự thay đổi thường xuyên hơn của quá trình lưu thông của bầu khí quyển. Thế nhưng cả 2 lý do này đều là hậu quả chung của biến đổi khí hậu.
Qaanaaq có 656 công dân. Nó được xây dựng vào những năm 1950, là một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Greenland bởi biến đổi khí hậu. Nhiều người dân địa phương ở Qaanaaq sống trên các khu vực đóng băng vĩnh cửu và nhà của họ cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng khác, chẳng hạn như đường và cầu đều được xây dựng trên nền đất đóng băng.
Thế nhưng lớp băng vĩnh cửu này dường như sắp không còn “vĩnh cửu” nữa. Khi lớp băng vĩnh cửu tan ra, mặt đất trở nên yếu hơn và ít có khả năng hỗ trợ các cấu trúc này hơn. Hiện tượng này có thể làm cho các tòa nhà sụp đổ, đường xá và đường ống bị hỏng và hơi ẩm thấm vào bên trong nhà, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng sống của người dân. Cư dân phải dùng đến cách dán các vết nứt trong nhà của họ thường xuyên.
Cuộc sống khó khăn ở thị trấn cực bắc
Orla Kleist, một người đàn ông sống cả đời ở Qaanaaq cho biết ngôi nhà của anh đã bị hư hại liên tục trong những năm qua do sự thay đổi của lớp băng vĩnh cửu.
Orla Kleist cho biết ngôi nhà của anh đã bị hư hại liên tục trong những năm qua do sự thay đổi của lớp băng vĩnh cửu
Sebastian Zastruzny - một chuyên gia đã nghiên cứu về lớp băng vĩnh cửu trong khu vực trong vài năm gần đây cho biết: “Một phần của Qaanaaq được xây dựng trên vật liệu mịn như đất sét, phù sa và cát dễ bị sương giá. Điều này có nghĩa là đất sẽ di chuyển lên xuống khi nó đóng băng, vì băng tạo nên một phần cấu trúc của đất. Nếu lớp đất này tan ra và phần móng của ngôi nhà không đủ sâu nhà cửa sẽ lún dần”.
Qaanaaq là một trong những thị trấn cuối cùng ở Greenland còn tồn tại chủ yếu nhờ săn bắn. Như nhiều vùng cực khác, người dân ở đây sống trong bóng tối nhiều tháng trong năm và nhiều tháng trời sáng 24/24. Ở khu vực này, hoạt động vận chuyển hàng hóa chỉ diễn ra hai lần một năm, một lần khi băng tan vào tháng 6 và một lần nữa trước khi băng biển hình thành vào tháng 9. Mỗi năm, mùa săn bắt đầu ngắn lại do điều kiện băng trên biển không ổn định. Một số thợ săn địa phương nói rằng mọi thứ đang thay đổi theo năm và họ “không thể chắc chắn về điều gì”.
Một gia đình sống trong ngôi nhà đang chìm dần, mục nát này. Thiệt hại nặng nề nhất xảy ra vào mùa thu và mùa xuân
Trong những tháng mùa hè, cư dân lấy nước từ một con sông gần đó. Tuy nhiên, vào mùa đông, thời tiết quá lạnh để sông chảy. Tảng băng trôi từ biển băng được vận chuyển đi bằng những chiếc xe tải rồi được đưa đến một cơ sở đặc biệt, nơi băng được làm tan chảy. Sau đó nước được phân phối đến tất cả các ngôi nhà ở Qaanaaq bằng một tàu chở nước. Khi băng biển bắt đầu vỡ vào mùa xuân và các điều kiện ngày càng trở nên không chắc chắn và nguy hiểm, nhiệm vụ thu thập nước ngày trước vốn đơn giản trở nên nguy hiểm hơn. Người dân địa phương đang phải chịu giá nước đắt hơn cả giá dầu.
Cộng đồng Qaanaaq có một lịch sử lâu đời về niềm tự hào duy trì qua nhiều thế hệ về nghề săn bắn. Họ hình thành nền văn hóa rất riêng biệt và độc đáo so với phần còn lại của thế giới. Đối với nhiều người, sống theo những phong tục tập quán này là một biểu hiện của bản sắc văn hóa, và bản sắc này đang có nguy cơ bị ăn mòn cùng với sự thay đổi của biến đổi khí hậu.
Khi lớp băng trên biển không đủ dày cho chó kéo, những người thợ săn phải mang theo thuyền để có thể săn bắt
Một thợ săn chuẩn bị làm thịt hải cẩu
Băng đang tan dần và người dân Qaanaaq dần mất đi nơi ở lẫn bản sắc của mình
Nguồn: Washington Post, Insider