Mới đây, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đã có báo cáo kết quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2021.
Về công tác trồng rừng, Đoàn Giám sát đánh giá, việc thực hiện kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai còn hạn chế. Việc thu hồi đất rừng chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của các hộ dân, có địa phương đến nay chưa thu hồi được; diện tích đăng ký trồng rừng đa số nhỏ lẻ, manh mún, rải rác không tập trung, gây khó khăn cho công tác theo dõi, hướng dẫn, giám sát trồng, chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy rừng; công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất đối với diện tích rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy chưa đạt hiệu quả.
Một số loại cây sinh trưởng kém, hiệu quả đạt thấp, tỷ lệ cây sống ở một số diện tích trồng rừng đạt thấp. Một số vụ việc sai sót liên quan đến công tác trồng rừng, nghiệm thu chăm sóc rừng, tỷ lệ cây sống rừng trồng đang tiếp tục được thanh tra làm rõ.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2021, tỉnh Gia Lai đưa ra kế hoạch trồng 40.000 héc-ta rừng nhưng chỉ thực hiện được hơn 30.000 héc-ta.
Ngoài ra, tỷ lệ trồng rừng đạt tỷ lệ cây sống thấp trải dài tại nhiều địa phương. Như tại H. Krông Pa, từ năm 2018 - 2021, rừng trồng năm 2018, đến khi nghiệm thu có hơn 92 héc-ta cây bị chết, không đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ hơn 63%. Tương tự, rừng trồng năm 2019, 76 héc-ta cây đã chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu (chiếm tỷ lệ hơn 72%).
Diện tích cây phân tán được trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh và được tính vào độ che phủ từng, tuy nhiên diện tích trồng không được kiểm tra, đánh giá, tỷ lệ sống đạt thấp.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp được cấp phép đầu tư trồng rừng trên địa bàn chưa đảm bảo tiến độ trồng rừng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Minh Anh Nguyễn Gia Lai chỉ triển khai trồng 260/450 héc-ta; Công ty CP Trần Quang Gia Lai chỉ triển khai trồng 162/855 héc-ta.
Đoàn giám sát chỉ ra nhiều nguyên nhân về việc triển khai trồng rừng tại Gia Lai chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là mức kinh phí hỗ trợ trồng rừng chưa đủ thu hút, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng sang trồng rừng. Chi phí trồng rừng tương đối cao và mất 5-7 năm mới cho thu hoạch. Hiện mức hỗ trợ trồng rừng chỉ là 2,5 triệu đồng/héc-ta/chu kỳ.
Đoàn giám sát đề nghị Trung ương xem xét, tháo gỡ những bất cập trong kinh phí hỗ trợ đối với người dân và các đơn vị trồng rừng, nhằm giúp việc trồng rừng đạt kết quả cao, để chính sách phủ xanh rừng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Xem thêm: lmth.766831_gnov-yk-uhn-tad-gnohk-gnort-gnur-gnuhn-yt-neit-od-ial-aig/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc