Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng đến chiều ngày 25/10 đã bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ 13h chiều ngày 25/10, Sacombank tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5,6-6%/năm từ mức 4,1-4,6%/năm niêm yết hồi đầu tháng, tương đương mức tăng 1,4-1,5%/năm.
Trong đó, kỳ hạn 5 tháng lãnh lãi cuối kỳ tăng lên kịch trần 6%/năm, còn kỳ hạn 4 tháng lãi suất cũng tăng lên mức 5,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng cũng tăng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm.
Đối với tiền gửi trực tuyến, lãi suất Sacombank áp dụng đối với các kỳ hạn 1-5 tháng đều ở mức trần 6%/năm.
Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được điều chỉnh tăng mạnh so với biểu lãi suất trước đó và cao hơn khoảng 0,5%/năm so với hình thức tiết kiệm truyền thống. Trong đó, mức lãi suất cao nhất đối với hình thức gửi tiền này tại Sacombank là 8%/năm, dành cho kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Ngoài hai sản phẩm trên, Sacombank cũng triển khai nhiều sản phẩm tiền gửi khác với lãi suất cao nhất hiện đã lên tới 8,15%.
VPBank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 26/10. Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm; các khoản tiền gửi dưới 300 triệu sẽ được nhận lãi suất từ 5,8 – 6%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Với hình thức gửi tiền tại quầy, mức lãi suất tối đa dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng chạm mốc 6%, nhưng có đi kèm theo điều kiện về số tiền gửi hoặc kỳ hạn gửi.
Như vậy, so với biểu lãi suất niêm yết hồi đầu tháng, lãi suất huy động cao nhất dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng của VPBank đã tăng thêm khoảng 1 – 1,6%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%.
Hiện lãi suất cao nhất đang được VPBank áp dụng đã lên tới 8,7% dành cho các khoản tiền gửi trên 50 tỷ tại các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Với số tiền ít hơn, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8 – 8,6%.
Tương tự, Techcombank cũng thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 26/10. Trong đó, nhà băng này đã tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Các sản phẩm tiết kiệm thông thường được hưởng lãi suất 5,9%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Như vậy, so với hồi đầu tháng, lãi suất huy động của Techcombank tại các kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng thêm 2 - 2,3%/năm. Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động hiện tại của Techcombank cũng tăng thêm 0,5 – 1%/năm tùy từng kỳ hạn và số tiền gửi.
Hiện lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,8%/năm dành cho các khách hàng mới, có số tiền gửi trên 1 tỷ tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc.
Trước đó, một loạt ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeABank, VIB cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới, trong đó tăng mạnh lãi suất tiền gửi với kỳ hạn dưới 6 tháng trong ngày 25/10.
Cụ thể, BacABank, NCB đồng loạt tăng lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần 6%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng có lãi suất cao hơn hẳn so với hồi đầu tháng.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng với gửi tiết kiệm tại quầy lên lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Với sản phẩm tiết kiệm online, lãi suất áp dụng cao hơn khá nhiều so với gửi tại quầy. Trong đó, mức lãi suất cao nhất lên đến 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, còn nếu gửi từ kỳ hạn 12-24 tháng lãi suất cũng lên đến 7,8%/năm.
Ngược lại, nhiều ngân hàng lớn khác chưa có động thái mới sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành. Các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, MB, ACB, SHB,…đều đang áp dụng biểu lãi suất trước ngày 25/10, tức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa chỉ 5%/năm.