Trao đổi với PV Tiền Phong về tình huống pháp lý nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) nêu quan điểm, hiện nay luật quy định rất rõ về việc bảo lĩnh và đặt tiền để đảm bảo.
Tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự định nghĩa bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Bà Nguyễn Phương Hằng.
Đổi lại phía bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, đồng thời không bỏ trốn.
Luật sư Bình cũng trích dẫn thêm, tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép được đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Từ những phân tích nêu trên, luật sư Bình cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể xem xét để thay đổi biện pháp bảo lĩnh cho bà Nguyễn Phương Hằng.
Luật sư khẳng định, việc Viện KSND tỉnh Bình Dương yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để nhập vụ án, nhằm xử lý triệt để, toàn diện hành vi phạm tội của Nguyễn Phương Hằng cũng không ảnh hưởng đến việc áp dụng các biện pháp bảo lĩnh.
Nên sáp nhập vụ án
Còn luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, việc nhập vụ án hình sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật sư Cường cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhập vụ án hình sự như sau: Nhập vụ án hình sự là việc tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, bị can phạm tội nhiều lần, nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có...
Theo quy định của pháp luật, việc nhập vụ án hình sự chỉ được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc mà pháp luật về tố tụng hình sự đã quy định. Các vụ án được nhập lại phải có liên quan đến nhau, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ không bị kết tội nhiều lần trong nhiều vụ án mà sẽ kết tội một lần nhưng tình tiết là phạm tội nhiều lần.
Như vậy, việc bà Hằng bị khởi tố, điều tra về cùng một tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và hiện nay chỉ có một bị can duy nhất nên việc nhập vụ án hình sự là cần thiết.
Mới đây, anh Nguyễn Quang Tuấn (30 tuổi) vừa gửi đơn đến công an và Viện kiểm sát xin đặt 10 tỷ đồng để bảo lĩnh mẹ ruột là bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) được tại ngoại.
Trong đơn xin đặt tiền để đảm bảo, anh Tuấn bày tỏ mong muốn các cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Hằng. Theo anh, bà Hằng có đủ các điều kiện theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 7/8/2018 (có hiệu lực từ ngày 20/9/2018) được áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền bảo đảm để thay thế biện pháp "tạm giam" quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể là bà Hằng phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, có địa chỉ cư trú rõ ràng; trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.
Ngoài ra, anh Tuấn cũng cho rằng, hành vi của mẹ mình không thuộc các trường hợp "không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm". Bởi trong quá trình điều tra bà Hằng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm và cam kết không tái phạm.
Đáng chú ý, bà Hằng đang không khoẻ, phải điều trị nhiều bệnh, thường xuyên phải uống thuốc. Bà còn phải chăm sóc mẹ hơn 90 tuổi cùng 2 con nhỏ; là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động...