Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng mức lương cơ sở dù đã tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, trong điều kiện không thể cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận mức lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động đóng góp cho cơ quan, đơn vị.
Tiền lương thấp cũng không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn và chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo và tự đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức để mà toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.
"Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc", ông Thái nhấn mạnh.
"Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại, nhưng chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường. Lương đủ sống, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả".
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định cán bộ công chức nghỉ việc không chỉ vì thu nhập thấp mà còn do áp lực công việc quá lớn. Khu vực công yêu cầu về trách nhiệm trong công việc và trách nhiệm trước nhân dân, là "công bộc của dân", nên hài hòa thu nhập và công bộc của dân là thách thức đặt ra cho Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu sáng 27-10 - Nguồn: Truyền hình Quốc hội
Bấm nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đồng tình lương là nguyên nhân chính của tình trạng nghỉ việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhưng còn có nhóm nguyên nhân quan trọng liên quan áp lực công việc và môi trường công tác.
Bà Thủy phân tích, hiện các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai có 9.000 người đến khám và 4.000 bệnh nhân nội trú. Nhiều bệnh viện, bác sĩ phải có mặt 6h sáng, mỗi ngày khám vài trăm bệnh nhân nên rất áp lực.
Khi dịch bệnh ập đến, bác sĩ xã phường vất vả nhất vì vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo 19 chương trình mục tiêu quốc gia, tỏa đi khắp nơi lấy mẫu xét nghiệm, quản lý F0, điều tra dịch tễ… nhưng lương chỉ 5 triệu đồng. Thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu điều kiện cần thiết để bảo đảm công tác khám chữa bệnh, môi trường làm việc chưa thực sự tạo cơ hội để nhân viên y tế cống hiến hết mình.
"Việc dịch chuyển với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại nhân sự trong ngành y tế như thời gian qua rất cần đánh giá đúng, đủ nguyên nhân và giải pháp căn cơ, chiến lược. Ngành y là ngành đặc biệt cần đào tạo, sử dụng đãi ngộ đặc biệt.
Khó gồng gánh nuôi dưỡng đam mê khi áp lực cao nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, phải đối diện nhiều áp lực trong môi trường làm việc. Vì vậy, cần cải thiện chính sách tiền lương đối với nhân viên y tế", bà Thủy nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Ảnh: PHẠM THẮNG
Tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023 là niềm vui trọn vẹn
Đại biểu Nguyễn Huy Thái cho hay ngân sách khi phải gồng gánh khoản chi phí khổng lồ cho việc tăng lương hằng năm trong giai đoạn dịch giã... và Chính phủ cũng phải rất nỗ lực trong lần tăng lương cơ sở này.
Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và nhanh chóng bù đắp trượt giá trầm trọng, Quốc hội và Chính phủ nên thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1-7- 2023, thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1-1-2023.
Đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương qua gần 3 năm chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu. Cử tri đang rất trông mong đề xuất này của cử tri được chấp nhận.
TTO - Theo thống kê của tổng thư ký Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng ngay từ ngày 1-1-2023.