Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) - nơi xảy ra sự việc cô giáo bị bẻ tay, đẩy ra khỏi lớp học trước mặt hàng chục học sinh hôm 22-10 - Ảnh: NHẬT LINH
"Giáo viên còn bạo lực học đường, nói gì học sinh"
Sự việc một giáo viên nam bẻ tay cô giáo đẩy ra khỏi lớp ngay trước mặt hàng chục học sinh tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế gây bức xúc, bị coi là những "tấm gương" xấu xí trong môi trường giáo dục luôn "nói không" với bạo lực học đường.
Bạn đọc Nhuong cho biết: "Hình ảnh trong clip rất phản cảm, vô cùng xấu xí trong lớp học. Đề nghị các cấp có thẩm quyền điều tra vụ việc để làm sáng tỏ mọi vấn đề".
Chua xót hơn, bạn đọc có nick name Nguyendung bình luận: "Ngay chính tại nơi đang thực hiện việc giáo dục lại diễn ra hành vi phi giáo dục thế này...".
"Rất buồn. Tại ngôi trường THPT giàu truyền thống và lớn nhất nhì của tỉnh Thừa Thiên Huế sao lại có thể để xảy ra một sự việc đáng tiếc như vậy".
Ý kiến bạn đọc Huế Xưa
Theo bạn đọc có nick name Duc: "Mình đã làm trong môi trường giáo dục thì cư xử cho có văn hóa để còn làm gương cho các em học sinh nữa". Giáo viên phải hành xử đúng mực, đúng chuẩn theo quy định, nếu không sẽ để lại những "tấm gương" xấu xí trong tâm trí của học sinh.
Dung Le phân tích: "Ngành giáo dục đừng để học sinh nhìn vào để học theo như thế, các em rất nhạy cảm và đừng nghĩ các em học sinh không biết chuyện của các thầy cô giáo làm. Mong rằng đừng để các em thất vọng, đến khi ra đời các em vẫn sẽ nhớ điều này đó các thầy cô và nhà quản lý giáo dục ạ".
Từ câu chuyện đáng buồn này, bạn đọc Khanh liên hệ tới nạn bạo lực học đường liên tiếp xảy ra nhức nhối thời gian qua: "Cứ bảo sao học sinh hay có bạo lực với bạn bè, thầy cô. Nhà trường và thầy giáo kia không biết ra sao mà để ai nhìn thấy hành động đó cũng coi là phản cảm, không chấp nhận được. Cần xem xét nghiêm túc".
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Hòa cảm thán: "Giáo viên còn bạo lực học đường thì nói chi đến học sinh!".
Nhà trường là ngôi nhà thứ hai của quý thầy cô giáo và các em học sinh. Theo bạn đọc Trần Thi Mai, để câu chuyện buồn đáng quên này đừng tái diễn, "hãy thương nhau khi có thể, đừng làm giọt nước tràn ly, đừng để lại những kỷ niệm không đẹp được lưu giữ trong ký ức của học sinh và quý thầy cô!".
Tan cửa nát nhà vì cờ bạc online: "tham thì thâm thôi!"
Những lời mời “ngọt như mía lùi” đánh bạc online - Ảnh: VŨ TUẤN
Sa vào ma trận cờ bạc online quảng cáo đầy trên web, Facebook, YouTube, game, nạn nhân để lại hệ lụy cay đắng cho cả gia đình.
Bạn đọc tên Yến kể câu chuyện của người trong cuộc: "Gia đình tôi cũng là nạn nhân của cờ bạc online. Em trai tôi nghiện đánh bạc, vay nặng lãi, vay app, lừa dối gia đình, bạn bè. Giờ món nợ khổng lồ đặt trên vai bố mẹ tôi đã nhiều tuổi.
Tôi biết không chỉ gia đình tôi, mà rất nhiều gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Tôi tha thiết mong chờ các cơ quan chức năng sớm triệt phá hết các đường dây đánh bạc này càng sớm càng tốt".
"Tham thì thâm thôi. Nhưng, tại sao Bộ Thông tin và Truyền thông không chặn các quảng cáo này giúp dân? Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước phải cảnh báo và ngăn chặn từ trong trứng nước".
Ý kiến bạn đọc Trần Hoàn
Nạn nhân của các sới bạc online này không chỉ có những người trẻ, theo bạn đọc thoandoan: "Không phải người ít tuổi bị lừa đâu. Nhóm Zalo toàn người U70 còn đăng tin bày cách chơi và nói đã chơi có lời nhiều rồi. Phản đối lại thì nói ai chơi là quyền người đó, không ai bắt buộc ai".
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", theo bạn đọc Tuan Ta: "Nó lừa rõ ràng mà bị dính làm sao được trừ khi bản tánh đã ham cá độ, cờ bạc và tham lam. Thôi có bị lừa thì cũng không sao vì không mất vì tụi này thì cũng bị mất do chính bản tánh ham cá độ của mình rồi".
Cùng quan điểm, Nguyen Hoang Lan phân tích: Nhỏ hơn 18 tuổi đã được cha mẹ cho đến trường đi học, cả xã hội đóng thuế để xây trường thuê thầy cô dạy, nên nếu có lỡ dại thì do cha mẹ, nhà trường chưa dạy thấu đáo.
Nhưng trên 18 tuổi thì bản thân đã được học hành, cha mẹ, xã hội dạy dỗ, nên tan cửa nát nhà phải xác định là lỗi tại bản thân chứ không đổ tại bị dụ dỗ hay tại nọ tại kia...
Kết luận ngắn gọn, bạn đọc Anh Minh viết: "Tham thì thâm thôi. Ai cản nổi".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Theo bạn, làm cách nào để nói không với cờ bạc bịp? Hành vi bẻ tay, đẩy cô giáo ra khỏi lớp trước mặt học sinh, có phần lỗi của cô giáo và cả ban giám hiệu nhà trường?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết
TTO - Tò mò click vào đoạn quảng cáo "đầu tư tài chính" trên mạng, tài khoản Facebook cá nhân của khách bị bủa vây bởi các "Nhà cái đến từ châu Âu", "Nhà cái số 1 Việt Nam" và cả những quảng cáo hướng dẫn lấy tiền của... nhà cái.