Theo Hãng tin AFP, đây cũng là lần đầu tiên 27 ngoại trưởng của các nước thành viên EU nhóm họp bên ngoài khu vực. Cuộc họp “lịch sử” này diễn ra trong bối cảnh Kiev đang nỗ lực gia nhập EU, còn chiến sự Nga - Ukraine bước sang tháng thứ 20.
“Chúng tôi đang triệu tập một cuộc họp lịch sử của các ngoại trưởng EU tại Ukraine - quốc gia ứng cử viên và là thành viên tương lai của EU. Chúng tôi có mặt ở đây để bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ đối với người dân Ukraine. Tương lai của Ukraine nằm ở EU”, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, viết trên X (Twitter) ngày 2-10.
Trao đổi với các phóng viên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp này: “Đây là lần đầu tiên Hội đồng đối ngoại EU triệu tập họp bên ngoài biên giới hiện tại, nhưng ngay bên trong biên giới tương lai của mình”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan Hanke Bruins Slot cho biết việc các nhà ngoại giao EU gặp nhau ở Kiev hôm nay là “thực sự quan trọng để thể hiện tình đoàn kết của liên minh này với Ukraine”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cũng xác nhận Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã đến Kiev để tham dự cuộc họp trên.
Theo Đài Deutsche Welle (DW) của Đức, một chủ đề có thể xuất hiện trong chương trình nghị sự là đề xuất của ông Borrell về việc đưa ra các cam kết viện trợ quân sự dài hạn hơn cho Ukraine.
Cũng theo DW, nhà ngoại giao Borrell đã đề xuất sử dụng tiền của EU là euro để hỗ trợ cung cấp thêm máy bay chiến đấu và tên lửa hiện đại cho Kiev.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết việc Quốc hội Mỹ bỏ gói viện trợ cho Ukraine ra khỏi dự luật chi tiêu được thông qua hôm 30-9 để ngăn chính phủ đóng cửa, sẽ không thay đổi điều gì.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Ryabkov nhận định Washington vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Kiev, và quyết định trên của các nhà lập pháp Mỹ chỉ là "một màn ca múa cho công chúng xem".
Cũng theo thứ trưởng Ngoại giao Nga, các tên lửa mà Mỹ đã sản xuất trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Washington và Matxcơva thời chiến tranh lạnh - có thể đang xuất hiện ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ tuyên bố rút khỏi INF từ năm 2019. Theo Reuters, phía Matxcơva cho biết sẽ không triển khai những loại vũ khí tương tự với điều kiện Washington không đụng đến vũ khí hạt nhân.
Moldova hy vọng sớm gia nhập EU
Cũng trong ngày 2-10, Hãng thông tấn RIA (Nga) dẫn lời Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu cho biết ông hy vọng sẽ sớm có quyết định cụ thể về việc bắt đầu đàm phán gia nhập EU trong khoảng thời gian cuối năm nay.
“Kể từ khi nhận được tư cách ứng cử viên, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cũng như triển khai hiệu quả hầu hết 9 điều kiện gia nhập mà phía EU đưa ra”, ông Popescu viết trên kênh Telegram.
Ngày 23-6 vừa qua, các nhà lập pháp và chính phủ của các nước thành viên EU đã cấp quy chế ứng cử viên cho cả Ukraine và Moldova tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ).
Ngoài Ukraine và Moldova, 6 quốc gia khác đã được cấp tư cách ứng cử viên chính thức của EU gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia.
Quan chức cấp cao của EU cho biết liên minh này đang đẩy nhanh quá trình chuyển giao vũ khí cho Ukraine.