Theo Hãng thông tấn AFP, khoảng 1.800 binh sĩ Mỹ và Philippines cùng năm nước khác đã khởi động cuộc tập trận thường niên Samasama ngày 2-10.
Cuộc tập trận 12 ngày gồm các khoa mục chống tàu ngầm, tàu nổi và tác chiến điện tử diễn ra ngoài khơi Manila và phía nam Luzon, đảo chính của Philippines.
Phát biểu trong lễ khai mạc, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó đô đốc Karl Thomas cảnh báo quyền đảm bảo chủ quyền quốc gia "đang bị tấn công hằng ngày trên biển".
"Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thứ vốn đảm bảo hòa bình khu vực trong nhiều thập kỷ, đã bị xé toạc và thử thách để mang lại lợi ích cho không phải tất cả các quốc gia mà chỉ một quốc gia", ông Thomas nêu vấn đề nhưng không đề cập "một quốc gia" là nước nào.
Theo tư lệnh Mỹ, trong bối cảnh đó, cách tốt nhất để đảm bảo chủ quyền và an ninh khu vực là hoạt động cùng nhau, ám chỉ các hoạt động tuần tra và tập trận chung.
Đồng quan điểm, Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó đô đốc Toribio Adaci nhấn mạnh cuộc tập trận Samasama sẽ giúp các bên tham gia chuẩn bị "để cùng nhau đối mặt với một loạt mối đe dọa".
Khi được hỏi đang ám chỉ đến nước nào, tướng Thomas uyển chuyển bằng việc nói rằng phải duy trì quyền đi qua khu vực "mà không cần phải lo lắng về việc bị tấn công" hoặc "bị đe dọa".
Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau các diễn biến căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi Scarborough.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch đặc biệt vào tháng 9, trong đó Lực lượng tuần duyên Philippines đã cắt các dây cáp nối hàng rào nổi tại bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát.
Manila cáo buộc hàng rào nổi này đã ngăn cản ngư dân Philippines đi vào ngư trường truyền thống của nước này nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ năm 2012.
Bắc Kinh đáp trả bằng cách cảnh báo Manila "không được khiêu khích hay gây rối", cùng lúc khẳng định lại chủ quyền cũng như quyền hàng hải của mình đối với cái mà họ gọi là đảo Hoàng Nham.
Trong vài tuần gần đây, Bắc Kinh đã triển khai các tàu tuần tra đến Biển Đông mà Manila cho rằng các tàu này đã quấy rối tàu công vụ và tàu cá Philippines tại khu vực.
Sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đưa ra yêu sách gần như toàn bộ vùng biển này bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài ở The Hague, đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng đối với Washington và các đồng minh trong khu vực.
Theo AFP, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey, máy bay giám sát hàng hải P-8 Poseidon và một tàu tiếp tế tham gia tập trận Samasama.
Hải quân Philippines huy động một tàu hộ vệ tên lửa, trong khi Nhật Bản đưa một tàu khu trục, còn Canada cử tàu hộ vệ HMCS Vancouver.
Ngoài Mỹ và Philippines, Anh, Nhật Bản, Canada, Pháp và Úc là những nước cử binh sĩ trực tiếp tham gia. New Zealand và Indonesia cử quan sát viên.
Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) khẳng định sẽ tiếp tục cắt bất cứ phao nổi nào mà Trung Quốc đặt ở bãi cạn Scarborough. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cũng nói Manila sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền.