Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), đang trên đà thành công sau kỳ tích Mặt trăng của Chandrayaan-3, đã đặt mục tiêu tham vọng cho nhiều sứ mệnh khám phá không gian trong tương lai.
Sau khi tạo nên lịch sử 9 năm trước, Ấn Độ sẵn sàng phóng thêm một tàu vũ trụ nữa lên sao Hỏa.
Theo báo cáo của Hindustan Times, ISRO sẽ sớm đưa tàu vũ trụ thứ hai, Mangalyaan-2, tới Hành tinh Đỏ.
Ở khoảng cách trung bình, sao Hỏa (còn gọi là Hành tinh Đỏ) cách Trái đất 225 triệu km, theo dữ liệu của Space.com.
Đây là hành tinh còn ẩn chứa nhiều bí mật chưa được khám phá và hứa hẹn là "bến đỗ" của loài người trong tương lai.
9 năm sau thành công đi vào lịch sử của Mangalyaan, ISRO sắp triển khai Tàu quỹ đạo Sao Hỏa Mission-2 (MOM-2) hay còn gọi là Mangalyaan-2, mang theo 4 bộ dụng cụ khoa học nhằm nghiên cứu một số đặc điểm nhất định của sao Hỏa bao gồm bầu khí quyển, môi trường và bụi liên hành tinh.
Hiện các công nghệ này đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Mangalyaan-2 hứa hẹn giải mã những bí ẩn lớn của sao Hỏa
Hindustan Times cho biết, 4 dụng cụ khoa học của MOM-2 bao gồm: Thí nghiệm bụi quỹ đạo sao Hỏa (MODEX); Thí nghiệm che khuất nguồn vô tuyến (RO); Máy quang phổ năng lượng ion (EIS); và Thí nghiệm điện trường và đầu dò Langmuir (LPEX). Trong đó:
MODEX sẽ giúp hiểu được nguồn gốc, sự phong phú, sự phân bố và dòng bụi trên sao Hỏa.
"Không có phép đo nào về Hạt bụi liên hành tinh (IDP) trên sao Hỏa. Thiết bị này có thể phát hiện các hạt có kích thước từ vài trăm nm đến vài µm, di chuyển với tốc độ siêu tốc (> 1 km/s).
Kết quả có thể giúp giải thích dòng bụi tại sao Hỏa, liệu có bất kỳ vành đai nào (như giả thuyết) xung quanh sao Hỏa hay không; và cũng xác nhận bụi là liên hành tinh hay đến từ Phobos hay Deimos (hai mặt trăng của sao Hỏa)" - ISRO cho biết.
Thí nghiệm RO đang được phát triển để đo mật độ electron. Thiết bị này về cơ bản là một máy phát vi sóng hoạt động ở tần số băng tần X có thể giúp hiểu được đặc điểm của bầu khí quyển sao Hỏa.
Máy quang phổ năng lượng ion (EIS) sẽ giúp cơ quan vũ trụ Ấn Độ mô tả đặc điểm năng lượng Mặt trời và các hạt gió Mặt trời siêu nhiệt trong môi trường sao Hỏa.
Công cụ đặc biệt này cũng sẽ hỗ trợ chúng ta hiểu biết về sự mất bầu khí quyển của Hành tinh Đỏ cách đây hàng thiên niên kỷ.
Thí nghiệm điện trường và đầu dò Langmuir (LPEX) sẽ đo mật độ số electron, nhiệt độ electron và sóng điện trường – giúp mang lại bức tranh rõ hơn về môi trường plasma trên sao Hỏa.
Mangalyaan hay Sứ mệnh tàu quỹ đạo sao Hỏa được ISRO phóng vào ngày 5/11/2013 và đi vào aquỹ đạo sao Hỏa thành công vào ngày 24/9/2014.
Cột mốc lịch sử này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo sao Hỏa, sau ROSCOSMOS của Nga, NASA của Mỹ và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Mangalyaan là một trong những thành công đáng ngưỡng mộ nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực thám hiểm không gian.
Sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ - có tên Mangalyaan - mang theo 5 bộ dụng cụ khoa học gồm: Máy ảnh màu sao Hỏa (MCC), Máy quang phổ hình ảnh hồng ngoại nhiệt (TIS), Cảm biến khí mê-tan cho sao Hỏa (MSM), Máy phân tích thành phần trung tính ngoại quyển sao Hỏa (MENCA) và Máy quang kế Lyman Alpha (LAP).
Mangalyaan đã tạo ra hơn hàng nghìn hình ảnh thông qua MCC, và ISRO đã xuất bản hơn 35 tài liệu nghiên cứu trên các tạp chí được bình duyệt, bên cạnh những thành tựu khoa học và kỹ thuật quan trọng mà sứ mệnh Mangalyaan đã tạo nên.
Sau thành công của sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 ngày 23/8/2023, Ấn Độ tiếp tục khiến thế giới kinh ngạc với sứ mệnh phóng thành công tàu nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1.
Ông S. Somanath - Chủ tịch ISRO cho biết, ISRO lên kế hoạch khám phá các hành tinh trong Hệ Mặt trời, mở rộng ra các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, các tiểu hành tinh.
Cùng với những lợi ích khoa học mà chương trình không gian mang lại, Ấn Độ cũng mong muốn có được lợi ích kinh tế thông qua các sứ mệnh vũ trụ hứa hẹn.
Chính phủ Ấn Độ cho biết, vào năm 2040, nước này sẽ thu được 40 tỷ USD từ thị trường không gian thương mại toàn cầu
Nguồn: Business Today, Livemint