Doanh nghiệp FDI tăng tốc
Tập đoàn FM Logistic (Pháp) vừa khánh thành Trung tâm Phân phối FM Logistic tại Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, diện tích hơn 20.000 m2 (có khả năng mở rộng tới 50.000 m2), FM Logistic cung cấp các dịch vụ kho bãi, đóng gói, phân phối và thương mại điện tử.
Trước đó, vào trung tuần tháng 9, SPX - doanh nghiệp logistics có trụ sở tại Singapore - khánh thành Trung tâm Phân loại hàng hóa tự động tại Khu công nghiệp VSIP (Bắc Ninh). Trung tâm này có thể xử lý đến 2,5 triệu bưu kiện/ngày sau giai đoạn I, dự kiến đạt 5 triệu bưu kiện/ngày ở giai đoạn II.
Các tập đoàn lớn dồn dập rót vốn khiến thị trường logistics Việt Nam “nóng” lên từng ngày. Năm 2022, Best Express Việt Nam đầu tư 20 triệu USD xây dựng trung tâm phân loại hàng hóa ở Bắc Ninh và TP.HCM; SEA Logistic Partners đầu tư dự án SLP Park Xuyên Á tại Long An...
Năm 2023, sức hút đầu tư vào các dự án logistics vẫn tiếp tục tăng, nhất là tại khu vực phía Nam. Cuối tháng 8/2023, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm Logistics BW tại huyện Long Thành. Dự án có diện tích 64,4 ha, cách sân bay Long Thành khoảng 10 km. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án vừa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào cuối tháng 9.
Cũng tại Đồng Nai, Dự án Trung tâm Kho vận Cainiao (Trảng Bom) được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào quý I/2023. Dự án do Cainiao Network (thuộc Tập đoàn Alibaba) đầu tư trên diện tích 16,8 ha. Giữa năm ngoái, Cainiao Network đã đưa vào vận hành Trung tâm Kho vận Cainiao P.A.T (110.000 m2) tại huyện Bến Lức (Long An).
Đồng Nai đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Jang Bok Sang, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có dự án đang hoạt động tại Đồng Nai mong muốn đầu tư thêm vào hạ tầng logistics. Nếu Đồng Nai có đủ quỹ đất, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thì sẽ đón được dòng vốn lớn từ Hàn Quốc.
Còn tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương, nhà đầu tư nước ngoài cũng nhắm đến “miếng bánh” logistics. Đầu tháng 8/2023, đại diện Tập đoàn A.P Moller Maersk (Đan Mạch) đã đến Bình Dương và làm việc với UBND tỉnh Bình Dương để trao đổi về kế hoạch đầu tư trung tâm logistics quy mô lớn phục vụ hoạt động kinh doanh lâu dài.
Tập đoàn Warburg Pincus (Myx) đã gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương để bàn thảo kế hoạch đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới. Dự án này được Warburg Pincus và đối tác liên doanh Becamex IDC lên kế hoạch xây dựng với quy mô 75 ha tại Thành phố mới Bình Dương.
Vẫn còn khoảng cách khá xa
Bên cạnh các “ông lớn” FDI đang mạnh tay rót vốn vào logistics, thị trường cũng ghi nhận sự hiện diện của một số doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 29/9, Công ty Transimex khánh thành kho lạnh tại Bến Lức (Long An). Kho lạnh này có tổng diện tích 29.000 m2, được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Transimex còn đầu tư trung tâm logistics ở TP.HCM, Bình Dương.
Vài năm trở lại đây, nhiều tên tuổi ở trong nước cũng bắt đầu đầu tư mạnh vào logistics. Thaco đầu tư chuỗi dịch vụ logistics tại Chu Lai (Quảng Nam). Tập đoàn T&T liên danh với YCH (Singapore) đầu tư Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc hơn 83 ha.
Tại phía Nam, nhiều nhà đầu tư nội cũng đang tìm quỹ đất tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM để đầu tư các trung tâm logistics. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, một doanh nghiệp logistics Việt Nam đã được chấp thuận đầu tư trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao TP.HCM với diện tích 6 ha.
Có thể thấy, các doanh nghiệp nội đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong cuộc chạy đua đầu tư vào hạ tầng logistics, song nhìn nhận một cách khách quan, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI.
Với tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ và trình độ quản lý tốt, các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn hơn hẳn so với doanh nghiệp Việt Nam - đa phần là các công ty logistics quy mô nhỏ và vừa.
Một điểm thuận lợi với doanh nghiệp FDI là hiện nay, theo biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ở một số khâu trong chuỗi cung ứng logistics (như dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ chuyển phát…), doanh nghiệp nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Với những lợi thế mà doanh nghiệp FDI đang có, doanh nghiệp Việt đang dần bị bỏ xa trong “cuộc đua” đầu tư vào logistics ngay trên “sân nhà”.