Thông tin này vừa được VinFast công bố, cùng với các số liệu về tình hình hoạt động kinh doanh trong quý III.
Khoản giải ngân của Vingroup và tỷ phú giàu nhất Việt Nam thực hiện theo thỏa thuận cấp vốn của Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng cho VinFast, được công bố vào tháng 4. Trong đó, Chủ tịch Vingroup hiến tặng 1 tỷ USD, Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD trong thời hạn tối đa 5 năm.
Cũng theo VinFast, trong 6 tháng tới, công ty này dự kiến nhận thêm 12.000 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại từ Vingroup. Bên cạnh đó, hai cổ đông kiểm soát bởi Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng, Asian Star Trading & Investement và Tập Đoàn Đầu Tư Việt Nam (VIG), sẽ tặng cho VinFast toàn bộ số tiền ròng thu được từ bán 46 triệu cổ phiếu VFS, theo thông tin đã đăng ký tại Bản cáo bạch F-1 nộp cho Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) gần đây.
Tổng nguồn tiền VinFast kỳ vọng nhận về trong các quý tiếp theo có thể đạt 29.000 tỷ đồng.
Doanh số bàn giao xe điện của VinFast tăng vọt từ quý II năm nay. Ba tháng gần nhất, công ty này bàn giao hơn 10.000 ôtô điện, tăng 5% so với quý II. Trước đó, báo cáo gửi SEC quý II tiết lộ, người mua xe lớn nhất của VinFast là Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh GSM - công ty cho thuê ôtô, xe máy điện và cung cấp dịch vụ taxi điện được ông Phạm Nhật Vượng thành lập tháng 3 năm nay. GSM đã nhận khoảng 7.100 ôtô điện từ VinFast tính tới cuối quý II. GSM cũng đã ký thỏa thuận mua 200.000 xe máy điện và 30.000 ôtô điện từ VinFast.
Nhờ doanh số bàn giao tiếp tục tăng, tổng doanh thu quý III của VinFast đạt 8.254 tỷ đồng (tương đương 342,7 triệu USD), tăng 4% so với quý II và tăng 159% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ doanh thu bán xe điện (7.698 tỷ đồng).
Mức lỗ gộp ở mức 2.468 tỷ đồng (102,4 triệu USD) và biên lợi nhuận gộp ở mức -30%, đã thu hẹp so với quý trước đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu VFS dừng ở mức 8,05 USD, tương ứng với giá trị vốn hóa hãng xe điện này là gần 18,8 tỷ USD.
Minh Sơn