Sau nhiều thập kỷ phát triển, các chuyên gia kết luận Thung lũng Silicon cần đến rất nhiều ‘phần cứng’ mới có thể biến AI diệu kỳ thành hiện thực. ‘Ông vua chip’ Nvidia đã nắm bắt được điều này nhờ bộ xử lý đồ họa mạnh mẽ, từ đó trở thành nhà vô địch.
Nhu cầu về bộ xử lý thân thiện với AI của Nvidia mạnh đến mức vào tháng 5, các nhà đầu tư trao cho công ty này mức định giá thị trường trên 1.000 tỷ USD, tức gần ngang bằng GDP của Ả Rập Xê-Út vào năm ngoái. Chip, được ví von quan trọng như dầu mỏ, chắc chắn sẽ đóng vai trò cấp thiết trong một nền kinh tế được thúc đẩy bởi AI.
Đối với Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, mối đe dọa lớn nhất lúc này đến từ một nhà sản xuất chip có năng lực xử lý đồ họa và kinh nghiệm nhiều năm cạnh tranh với các gã khổng lồ. Dưới sự dẫn dắt của CEO Lisa Su, nhà sản xuất linh kiện bán dẫn đa quốc gia AMD đang đặt mục tiêu chiếm lĩnh phần lớn thị trường chip AI, thậm chí thay thế Nvidia nắm vị trí dẫn đầu.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội để viết tiếp câu chuyện tăng trưởng của AMD. Rất ít công ty trên thế giới có được lợi thế như chúng tôi. Chúng tôi có cơ hội định hình cách AI được ứng dụng trên toàn cầu”, bà Su nói.
Dĩ nhiên, phát ngôn này có cơ sở.
AMD được biết đến với tư cách đối thủ lâu năm của Intel trên thị trường bộ vi xử lý máy tính và máy chủ. Năm 2006, hãng mua lại ATI - một nhà sản xuất chip của Canada để rồi giờ đây trở thành công ty lớn trong lĩnh vực xử lý đồ họa GPU - con chip chuyên để đào tạo mô hình AI như GPT-4 của OpenAI hay Bard của Google. MI300 - đối thủ của H100 (chip độc quyền của Nvidia) dự kiến sẽ ra mắt trong quý này.
“Có một kịch bản rằng vào năm 2024, khi GPU Nvidia đã được bán hết, khách hàng lúc này chỉ có thể trông cậy vào AMD. AMD sẽ giành được thị phần theo cách này”, Brian Colello, giám đốc lĩnh vực công nghệ của Morningstar, cho biết.
Bà Lisa Su được coi là huyền thoại sau khi vực dậy thành công AMD, đẩy giá cổ phiếu nhà sản xuất chất bán dẫn từ vực thẳm lên gần 30 lần trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ. AMD, vốn chỉ là công ty sản xuất chất bán dẫn hạng hai, bắt đầu tạo ra lợi nhuận kỷ lục bằng cách xây dựng bộ vi xử lý của riêng mình, thậm chí đánh bại ông lớn Intel về tốc độ.
“Tôi tin rằng chúng ta có thể xây dựng lại tất cả”, bà Lisa Su nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Theo Gregory Diamos, đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp AI Lamini kiêm cựu kiến trúc sư CUDA tại Nvidia, AMD đang dần thu hẹp khoảng cách với đối thủ nặng ký nhất. “AMD đã tuyển hàng trăm kỹ sư hỗ trợ phát triển AI”, Gregory Diamos nói.
Đáp lại, bà Su cho rằng AMD vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
“Phần cứng của chúng tôi rất xuất sắc. Phần mềm cũng đang tiếp tục hoàn thiện hơn theo thời gian”, bà nói và kỳ vọng cơ hội lớn của AMD có thể đến cùng với sự phát triển tự nhiên của AI.
Các công ty AI yêu thích GPU nhờ khả năng thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc, do đó dễ dàng được sử dụng để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4 của OpenAI trong một khoảng thời gian tương đối nhanh. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng mấu chốt không nằm ở đào tạo mà ở quá trình triển khai.
Trong khi Meta và Google nỗ lực phát triển chip AI nội bộ, những người chơi lớn hơn cuối cùng sẽ muốn có công cụ để cung cấp hiệu quả các dịch vụ AI. Vai trò to lớn của CPU được nhìn nhận và điều này sẽ phát huy thế mạnh của AMD.
“Chúng tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ dẫn đầu toàn ngành nếu xét tới các giải pháp”, bà Su tự tin.
Dĩ nhiên, Nvidia cũng đang nhắm mục tiêu vào phân khúc này, thậm chí cố gắng thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh CPU hiệu suất cao với một “siêu chip” mới có tên Grace, đi kèm với GPU H100.
“Nvidia vẫn muốn tiếp quản thị trường và có khả năng là họ sẽ làm như vậy”, Brian Colello, giám đốc lĩnh vực công nghệ của Morningstar, nói và cho biết ngay cả khi Nvidia vẫn là ‘vua’, vị trí thứ hai mà AMD giành được đã là rất tuyệt vời.
“Rõ ràng với việc áp dụng AI tổng quát vào năm ngoái, ngành công nghiệp đã có không gian để phát triển. Chúng tôi đang cân nhắc tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 50% trong vòng hơn 5 năm tới”, bà Su nói.
Được biết để tăng sức mạnh để cạnh tranh cùng Nvidia, bà Lisa Su đã quyết định để AMD thực hiện thương vụ mua lại Xilinx trị giá 48,8 tỷ USD vào năm 2022. Đây là một công ty chuyên sản xuất bộ xử lý lập trình giúp tăng tốc các tác vụ như nén video.
Hiện một số khách hàng của AMD hay các nhà sản xuất chất bán dẫn khác đang bắt đầu tự phát triển chip để giảm thiểu sự phụ thuộc. Chẳng hạn, Amazon thiết kế chip máy chủ vào năm 2018 cho hoạt động kinh doanh AWS, trong khi Google dành gần 1 thập kỷ phát triển chip AI của riêng mình. Ngay cả Meta cũng đang có kế hoạch tương tự.
Đứng trước những thông tin này, bà Su phủ nhận những lo ngại rằng một ngày nào đó khách hàng của AMD có thể trở thành đối thủ cạnh tranh.
“Việc các công ty muốn phát triển thiết bị của riêng họ là dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi nghĩ họ sẽ không đủ khả năng để thực hiện toàn bộ chu kỳ sản xuất”, bà Su nói.
Trước đó, trong một bài phỏng vấn, CEO Nvidia cũng có quan điểm tương tự. Ông từ chối các câu hỏi xoay quanh mối đe dọa của Nvidia và cho biết bản thân không quan tâm liệu khách hàng có trở thành đối thủ hay không.
Theo: Fortune, Bloomberg