Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2023, nước này đã nhập khẩu trên 85.000 tấn thủy sản tươi/sống, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Thượng Hải, Quảng Đông, Vân Nam là 3 tỉnh nhập khẩu nhiều nhất thuỷ sản tươi/sống, chiếm lần lượt 39%, 16% và 11% tổng khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Giá trung bình nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc cũng tăng 15% trong 8 tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Những thông số trên cho thấy tiêu thụ nội địa của Trung Quốc đối với phân khúc thủy sản tươi/sống rõ ràng đã hồi phục sau khi Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế liên quan đến dịch Covid.
Những loài thủy sản tươi sống được nhập khẩu và tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc gồm: cá hồi, tôm, cá bơn, cá ngừ vây xanh, cá chình, cá chim, vẹm, hàu, cá hố, bào ngư, cá đù vàng, hải sâm, ngao… Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là cá hồi salmon với gần 56.000 tấn, chiếm 65%.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng cá cảnh đáng kể, với 281.000 tấn, tăng 60%. Nhìn chung, thị trường này tiêu thụ các loại cá tươi/sống nhiều hơn so với tôm, cua và nhuyễn thể…
Ảnh: Vasep. |
Đứng đầu trong số các nước cung cấp thủy sản tươi/sống cho Trung Quốc là Na Uy với thế mạnh là cá hồi tươi/ướp lạnh. Chile đứng thứ 2, đồng thời cũng nằm trong top 2 cung cấp cá hồi cho Trung Quốc. Top các nhà cung cấp khác gồm: Myanmar, Australia, Phillippines, Bangladesh, Quần đảo Faroes, Anh, Nhật Bản.
Trong đó, Nhật Bản cung cấp cá bơn, cá ngừ vây xanh, cá sòng, cá thu, cá chim, cá hố, hàu, sò điệp, hải sâm tươi/sống cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên vừa qua, Trung Quốc đã chính thức cấm thủy sản Nhật Bản sau khi Nhật Bản xả thải nước phóng xạ ra biển từ cuối tháng 8. Việc này đã làm giảm một phần đáng kể nguồn cung thủy sản tươi/sống từ Nhật, do vậy Trung Quốc sẽ phải gia tăng nhập khẩu từ các nguồn cung khác. Đồng thời, sau sự kiện này, Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra xuất xứ hàng thủy sản nhập khẩu.
Trong ngắn hạn, vụ việc xả thải không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến ngành chế biến thủy sản và dịch vụ ăn uống trên toàn châu Á - khu vực Thái Bình Dương, vì một số người tiêu dùng có thể lựa chọn hải sản có nguồn gốc từ Bắc Âu.
Còn đối với Việt Nam, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), nước ta chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn, 0,2% tổng khối lượng nhập khẩu thủy sản tươi/sống của Trung Quốc trong 8 tháng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột phá 446% và giá trung bình cũng tăng 184%. Thủy sản sống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là cá cảnh, cá mú, tôm hùm, tôm sú…
Theo Vasep, trừ giai đoạn bị hạn chế do dịch Covid, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn và tiềm năng vì dân số lớn, thu nhập bình quân đầu người gia tăng.
Mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong 40 năm, từ 5 kg năm 1980 lên 14,4 kg năm 1993, 37,9 kg năm 2013 và 54 kg năm 2020. Nhu cầu hải sản tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trung bình người dân mua hải sản 3 – 4 lần/tháng, riêng tại Thượng Hải người dân mua thủy sản trung bình 11 lần/tháng, tức là họ chi khoảng 30% chi phí thực phẩm để mua thủy sản.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt tốc độ 6,3% trong quý II/2023 cùng những dự báo về tăng trưởng GDP năm 2023 và 2024 khá lạc quan, tăng lần lượt 5,1% và 4,6%.
Do đó, Vasep cho rằng, trong thời gian tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản trong đó có Việt Nam. Cạnh tranh tại thị trường này sẽ ngày càng nóng, nhưng với lợi thế địa lý, thủy sản Việt Nam có thể giành thị phần cao hơn bằng phân khúc thủy sản tươi/sống/ướp lạnh cho tiêu thụ nội địa của Trung Quốc, đồng thời cũng cần đa dạng hóa dạng sản phẩm chế biến cho xu hướng tiêu thụ mới của giới trẻ hiện đại ở Trung Quốc.
Bộ Công thương cũng kỳ vọng quy định cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản của Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm nay.