Mùa "lộc trời" - nấm tràm ở Huế thường rơi vào những ngày đầu thu, sau những cơn mưa dông nặng hạt gột bỏ cái nóng oi ả kéo dài của mùa hè lại phía sau.
Với những người mê thứ nấm "đắng ngay ngọt hậu, tê tê đầu lưỡi" này ở TP Huế thì địa điểm không thể không ghé đến hằng năm là khu chợ nằm cạnh hông di tích đàn Nam Giao của triều Nguyễn.
Nơi này trước kia là đàn tế trời quan trọng bậc nhất dưới triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, là nơi mà hằng năm nhà vua làm chủ lễ tế cảm tạ trời đất.
Cũng tại nơi này, dân buôn nấm tràm từ miệt Bình Thành, Bình Tiến (thị xã Hương Trà) - nơi có những dãy rừng tràm bạt ngàn - đều đổ về để bán cho người sành ăn ở phố thị.
Khu chợ này nhộn nhịp từ tờ mờ sáng đến tận nửa đêm. Vào hôm nấm về nhiều, khu chợ có hơn 30 tiểu thương ngồi bán cùng lúc.
Chị Ngọc Mai (trú xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) - một tiểu thương ở chợ trời nấm tràm - nói rằng năm nay trời thương, cho nấm tràm được mùa và được cả giá.
Theo chị Mai, mọi năm mùa nấm kéo dài chỉ vài ngày, nhưng năm nay chị ngồi buôn nấm ở chợ này ngót nghét đã hơn 20 ngày.
"Năm nay nấm đắt hơn năm ngoái, giá dao động 35.000 - 60.000 đồng/kg. Đặc biệt với nấm loại 1, trắng nõn như "hoa hậu" thì có khi lên đến 100.000 đồng/kg", chị Mai nói.
Theo chị Mai, những ngày này cả gia đình chị đều được "huy động tối đa" vào làm nấm. Cánh đàn ông, phụ nữ khỏe mạnh thì xách giỏ băng rừng tràm để hái "lộc trời". Trẻ nhỏ vào lúc rảnh rang thì ở nhà gọt nấm, còn với người phụ nữ như chị thì chạy chợ bán nấm ở đàn Nam Giao.
Bấm ngón tay rồi lẩm nhẩm, chị Mai nói hết vụ nấm này có khi chị kiếm lời hơn 15 triệu đồng, đủ chi phí để trang trải tiền học cho tụi nhỏ.
Cũng là một thợ săn nấm có tiếng ở khu chợ trời, anh Huỳnh Lộc (trú đường Ngự Bình, TP Huế) vừa thoăn thoắt gọt từng tai nấm, vừa kể rằng nghề săn "lộc trời" này không phải dễ ăn.
Để có những tai nấm loại 1 mũm mĩm, săn chắc, anh Lộc cùng với đội săn nấm của mình phải thức dậy lúc 12h đêm vượt hàng chục cây số từ Huế lên miệt núi ở Bình Thành để hái nấm.
"Vô rừng săn nấm sợ nhất là muỗi và rắn. Để có nấm chất lượng thì mình phải chấp nhận đi vô rừng xa hơn người ta. Không ít cánh thợ săn nấm như tui bị rắn rít cắn trong lúc đi tìm lộc trời", anh Lộc kể.
Cũng theo anh Lộc, mọi năm khu chợ nấm này còn được gọi với cái tên là khu "chợ chạy", bởi mọi thương lái bán buôn đổ về đây đều tự phát. Mỗi khi thấy bóng dáng của lực lượng trật tự đô thị là kẻ bán, người mua đều xách đùm, xách rổ chạy đi cho kịp.
Năm nay, UBND phường Trường An (TP Huế) đã tạo điều kiện cho tiểu thương bán nấm quy tụ về một góc bên cạnh di tích đàn Nam Giao. Tại đây các tiểu thương được thuê dù lớn để ngồi cho đỡ nắng và tuân thủ quy định về vệ sinh môi trường.
Một số hình ảnh tại khu chợ "lộc trời" độc đáo ở Huế:
TTO - Một hiện tượng hiếm gặp đã xuất hiện khi hàng chục tấn ngao bị sóng đánh dạt vào bờ biển tại Nam Định, khiến người dân tấp nập kéo đến nhặt "của trời cho".