Những điểm mới của vụ Đông Xuân 2023 - 2024
Kết thúc 9 tháng, cả nước đã xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, mang về gần 3,7 tỷ USD - con số cao nhất từ trước tới nay. Với đà này, dự kiến cả năm nay, xuất khẩu sẽ lập kỷ lục trên 8 triệu tấn. Đây là thông tin phấn khởi để nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào sản xuất Đông Xuân.
Điểm nhấn của vụ Đông Xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL là giống. Ngoài việc sử dụng các giống chất lượng cao, kháng mặn, bà con còn chú trọng giảm giống, sử dụng mạ khay, thay vì gieo sạ trực tiếp trên ruộng. Giải pháp này vừa giúp bà con hạ giá thành và tăng lợi nhuận.
Áp dụng cơ giới ngay từ khâu đầu vào, bà con nông dân sẽ chủ động trước những diễn biến bất thường của thời tiết.
Trước nay, ĐBSCL là khu vực sử dụng lượng giống gieo sạ khá nhiều, trung bình từ 100 - 150 kg/hecta. Chính vì vậy, việc thay đổi từ sạ lan, sạ hàng sang làm mạ khay sẽ kéo giảm lượng giống xuống còn 60 kg/hecta.
"Giảm được thuốc bảo vệ thực vật, thất thoát sau khi thu hoạch, đỡ đổ ngã. Tính chung khoảng 20 - 30%", ông Nguyễn Văn Sương, xã Bắc Hòa, Tân Thạnh, Long An, cho biết.
Việc tổ chức lại sản xuất được xem là nguyên tắc cơ bản trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Dù có những thuận lợi về giá cả, thị trường tiêu thụ lúa gạo, nhưng ở vụ Đông Xuân 2023 - 2024, nông dân các địa phương trong khu vực vẫn chú trọng vấn đề liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng chủ động thiết lập vùng nguyên liệu để sẵn sàng cho các đơn hàng đầu năm 2024.
Vụ Đông Xuân tới, ĐBSCL dự kiến gieo sạ gần 1,5 triệu hecta. Cùng với sự chủ động về giống, liên kết của nông dân, lịch thời vụ cũng được đẩy sớm ở những vùng có nguy cơ hạn, thiếu nước từ 10 - 30/10 với tổng diện tích khoảng 375.000 hecta, thậm chí là 500.000 hecta. Hiện toàn vùng đã xuống giống được gần 35.000 hecta.
Triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao từ vụ Đông Xuân
Mới đây, một doanh nghiệp lớn ở ĐBSCL đã công bố sẽ bao tiêu 260.000 hecta lúa vụ Đông Xuân tới. Như vậy cùng với nhiều chuỗi liên kết khác, bà con nông dân sẽ không quá lo ngại về đầu ra của hạt lúa.
Bên cạnh đó, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" sẽ được triển khai từ vụ Đông Xuân tới, với khoảng 180.000 hecta.
Đề án sẽ được triển khai từ năm 2024 với khoảng 200.000 hecta dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án VnSAT đã triển khai những năm trước đây. Cụ thể, ngay từ vụ Đông Xuân tới sẽ triển khai khoảng 180.000 hecta. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000 - 500.000 hecta. Từ năm 2026 - 2030, mỗi năm tăng thêm 100.000 hecta để đạt 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030.
"Đăng ký 150.000 ha trên tổng số 200.000 ha đất trồng lúa của An Giang. Điều này cho thấy quyết tâm của An Giang rất lớn. Chúng tôi nhận thấy đây là đề án rất thiết thực, phù hợp, giúp cho bà con trồng lúa của An Giang đáp ứng được yêu cầu", ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết.
"Cần có nguồn vốn đầu tư nhiều hơn từ Chính phủ, của các tổ chức quốc tế, các nguồn lực khác từ xã hội và các nguồn quỹ hợp pháp khác. Chúng ta cũng cần có kinh nghiệm từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong đó, các doanh nghiệp tham gia vào đề án này là một yếu tố quan trọng", ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Việc tổ chức lại sản xuất được xem là nguyên tắc cơ bản trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao. Đề án đưa ra mục tiêu giảm 20% chi phí sản xuất, sẽ góp phần giảm khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa. Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng.
Mặt bằng giá mới cho xuất khẩu gạo
Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào cuối tháng 7, giá gạo thế giới đã điều chỉnh tăng liên tục. Đến nay, giá gạo không tăng mạnh như trước, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết, cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm còn rất lớn. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, mặt bằng giá gạo mới đã dần hình thành.
"Hiện nay một số quốc gia truyền thống như Philippines, Indonesia và Trung Quốc, hầu hết vẫn chọn gạo Việt Nam, vì gạo Việt Nam có chất lượng đặt biệt tốt. Dù giảm đến mức độ nào đi chăng nữa thì giá gạo Việt Nam hiện vẫn cao nhất thế giới", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay.
"Thị trường thế giới đã thiết lập mặt bằng giá gạo mới và cao hơn so với cách đây 3 tháng khoảng 100 USD/. Xu hướng này vẫn tiếp tục duy trì. Theo tôi đánh giá, ngay cả khi Ấn Độ mở cửa và bán lại, mặt bằng giá mới của lúa gạo sẽ được nâng lên và giữ ổn định trong nhiều năm", ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, nhận định.
"Nhận định của hiệp hội từ đầu năm là xu hướng giá lên. Khí tượng thủy văn cũng đã cảnh báo là nước lũ ĐBSCL năm nay sẽ về thấp và không đáng kể, nên El Nino sẽ rất ảnh hưởng. Nếu như vậy sẽ tiêu cực cho hàng hóa của vụ Thu Đông và Đông Xuân sắp tới", ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thông tin.
VTV.vn - Để đạt được mục tiêu ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao vào năm 2025 nhiều phương án hỗ trợ đã được đưa ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.74961650180013202-naux-gnod-uv-ut-oac-gnoul-tahc-aul-ah-ueirt-1-iahk-neirt/et-hnik/nv.vtv