Tối 8-10, Asiad 19 đã chính thức khép lại tại Trung Quốc. Kết thúc đại hội, đoàn thể thao Việt Nam giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, hoàn thành chỉ tiêu huy chương đặt ra trước khi lên đường là giành từ 2-5 HCV.
Dù vậy, chỉ với vỏn vẹn 3 HCV đã khiến đoàn thể thao Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 6 Đông Nam Á, thứ 21 châu Á tại Asiad 19. Đây là điều người hâm mộ khó có thể chấp nhận bởi hai kỳ SEA Games liên tiếp 2022, 2023 Việt Nam đứng số 1 khu vực. Tại Asiad 18 đoàn cũng giành 4 HCV, đứng thứ 17 châu Á.
Mục tiêu trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 Chính phủ đề ra là thể thao Việt Nam phải giành từ 10-15 HCV từ Asiad 2018 trở đi, đứng trong top 10-15 châu Á. Từ năm 2020-2030 phải đứng trong top 10 nước hàng đầu châu Á về thể thao.
Ngày 9-10, trả lời Tuổi Trẻ Online về Asiad 19, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Ủy ban Thể dục thể thao), trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở nhiều đại hội quốc tế - chia sẻ:
- Tôi trân trọng và xúc động trước sự nỗ lực, ý chí phi thường của các VĐV đoàn thể thao Việt Nam để giành những tấm huy chương quý giá tại Asiad 19.
Thể thao Việt Nam bắt đầu tham gia đấu trường Asiad vào năm 1982 tại Ấn Độ với 40 VĐV, thi đấu ở 3 môn. Ngay trong lần đầu tham dự, xạ thủ Nguyễn Quốc Cường đã giành HCĐ môn bắn súng. Và phải đến 41 năm sau, xạ thủ Phạm Quang Huy mới giúp bắn súng Việt Nam có được tấm HCV đầu tiên tại Asiad 19. Đây là điều phi thường và rất tuyệt vời.
Quá trình tham dự Asiad, thể thao Việt Nam phát triển cả về số lượng VĐV, thành tích thi đấu. Đến Asiad 19, đoàn có 337 VĐV, tranh tài ở 31 môn thi với mục tiêu giành từ 2-5 HCV và cuối cùng đã mang về 3 tấm HCV.
Việc giành thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường Asiad suốt 41 năm qua là vô cùng khó khăn, vất vả. Trình độ của thể thao Việt Nam còn hạn chế trong khi tốc độ phát triển của thể thao châu lục rất cao, ở cấp độ hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản.
* Thưa ông, xin ông có thể phân tích về sự khác biệt về quy mô, chất lượng, ý nghĩa của SEA Games so với Asiad?
- Đấu trường SEA Games chỉ có 11 quốc gia, trong khi đó trình độ phát triển chưa cao. Asiad là 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, với sự tập hợp của tất cả những VĐV tinh tú, nền thể thao hùng mạnh nhất. Trải qua 19 lần tổ chức, công tác vận hành của Asiad dần hoàn thiện. Lực lượng VĐV tham gia ngày một đông, số môn thi nhiều lên. Asiad 19 lập kỷ lục với hơn 12.000 VĐV, thi đấu 40 môn với 61 phân môn.
Về chất lượng, SEA Games là đấu trường tập hợp hầu hết các quốc gia có trình độ thể thao thấp. Giá trị lớn nhất của SEA Games là đại hội thể thao để các quốc gia trong khu vực hòa nhập, giao lưu và cùng nhau tiến bộ. Các VĐV tham gia SEA Games để nâng cao trình độ, chuẩn bị cho đấu trường cao hơn là Asiad, Olympic. Dù vậy, một số vấn đề "tiêu cực" nội tại của SEA Games cũng khiến mục đích nâng cao thành tích của đại hội đôi khi bị hạn chế. Trong tình hình chung đó, quốc gia nào có sự xã hội hóa thể thao tốt, môn thể thao nào ít phụ thuộc vào ngân sách và quản lý của chính phủ sẽ có điều kiện bứt phá.
Asiad là đại hội thể thao có trình độ khác hẳn SEA Games. Một số quốc gia đứng tốp đầu Olympic như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có mặt ở Asiad. Theo thống kê của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), hằng năm các quốc gia hàng đầu này có từ 120-160 các nhà vô địch Olympic và vô địch thế giới ở các môn thể thao. Những nền thể thao hàng đầu này thống trị thế giới ở nhiều môn như: Nhật Bản (bơi, karatedo, judo), Trung Quốc (bơi, bóng bàn, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ, cầu lông), Hàn Quốc (bắn cung, taekwondo)... Để có được lực lượng VĐV hùng mạnh trình độ thế giới, các cường quốc này đã chuẩn bị 30-40 năm qua với điều kiện tập luyện khắc nghiệt, đầu tư lớn.
Khi ra đấu trường Asiad, thể thao Việt Nam và Đông Nam Á phải đối đầu với những cường quốc kinh tế và thể thao đó, việc giành chiến thắng tổng thể là bất khả thi. Do vậy, chúng ta phải chọn vài môn, vài nội dung có khe hở để "lách" và giành huy chương.
* Cách tìm khe hở đó thế nào?
- Điều đó phụ thuộc vào chiến lược, sách lược đầu tư và phát triển của mỗi nền thể thao quốc gia. Chúng ta phải biết đầu tư vào đâu là trọng tâm. Nếu chọn mục tiêu dễ làm, dễ lấy huy chương thì không áp lực nhưng thành tích đó ít giá trị. Mục tiêu ở Asiad, Olympic khó khăn, khốc liệt hơn nhiều, nhưng đó là đỉnh cao mà thể thao Việt Nam phải hướng tới.
* Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của thể thao Việt Nam là phải đứng trong top 1-2 nước dẫn đầu SEA Games. Theo ông, mục tiêu này còn cần thiết trong bối cảnh thể thao Đông Nam Á đã tiến lên châu Á từ rất lâu
- Giai đoạn tôi còn làm quản lý thể thao, tôi là một trong những người đầu tiên khởi thảo xây dựng Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà đến năm 2013 Chính phủ thông qua. Trong quá trình xây dựng chiến lược, mục tiêu top 3 SEA Games luôn được đưa ra. Dù vậy luôn có dòng: Phấn đấu lựa chọn một số nội dung, một số môn mũi nhọn để tiến lên đấu trường châu lục và thế giới.
Thời gian qua, thể thao Việt Nam chỉ tập trung vào nhiệm vụ đứng top 3 SEA Games mà quên mất mục tiêu còn lại là phải nâng tầm ở Asiad, Olympic. Trước khi tôi nghỉ hưu, tôi đã lập danh sách 60 VĐV ở 7 môn trọng điểm đầu tư cho Asiad. Anh em làm chuyên môn ở ngành thể thao muốn thực hiện nhưng những vị quản lý cấp cao chưa chắc muốn làm.
* Nguồn lực đầu tư cho thể thao hạn chế, ngành thể thao phải rất căn cơ bởi đầu tư cho cái này thì cái kia không được hưởng. Nếu tập trung cho Asiad, Olympic mà SEA Games bị văng khỏi top 3 chắc sẽ nguy hiểm?
- Thắng ở SEA Games thì dễ, mà thắng thì VĐV, HLV, nhà quản lý cũng mới được khen thưởng, có cái để báo cáo. Để thắng được ở Asiad rất khó. Thể thao Việt Nam có tiến bộ nhưng so với châu Á còn khoảng cách rất xa. Nhìn thành tích cụ thể của nhà vô địch châu Á ở từng nội dung so với VĐV cao nhất của Việt Nam sẽ thấy.
Tôi đặc biệt đánh giá cao tấm HCB thể dục dụng cụ của VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong. Để lấy được HCB môn này tại Asiad là cực khó bởi ở đây là những VĐV hàng đầu thế giới. Bài tập của Khánh Phong phải có độ khó cao, bản thân VĐV cũng đã phải có hàng chục năm khổ luyện, kiên trì.
* Thể thao Việt Nam cần sự dịch chuyển trong đầu tư thay vì trọng tâm SEA Games, phải hướng đến Asiad, Olympic bằng cách nào?
- Trình độ của thể thao Việt Nam dựa trên 3 yếu tố: Chiến lược đầu tư; nhân sự làm thể thao và bản lĩnh thực hiện. VĐV Việt Nam có nhiều người tài năng nhưng cần có chiến lược đầu tư, hệ thống đào tạo và vận hành tốt, HLV giỏi thì mới đáp ứng được.
Thành tích hiện nay chưa tốt có trách nhiệm của người hoạch định chiến lược. Hiện nay ngân sách cấp cho thể thao mỗi năm 800 - 900 tỉ đồng, nếu tập trung đầu tư cho những môn trọng điểm thì không phải không làm được. Giành 5-6 HCV Asiad theo tôi là trong khả năng và thú vị hơn việc đứng đầu SEA Games.
Chỉ quan tâm đến SEA Games là tâm lý thiếu trách nhiệm, dễ làm, khó bỏ, thiếu hiểu biết về thể thao thành tích cao. Nếu lãnh đạo giỏi, việc thuyết phục Chính phủ hiểu, đầu tư thêm cho thể thao tôi nghĩ không phải không thể. Muốn xã hội cùng với nhà nước đầu tư cho thể thao thì phải mở cửa để các liên đoàn thể thao quốc gia, người dân cùng gánh vác.
Từ năm 2012 đến nay các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đã không còn quá chú trọng thành tích ở SEA Games. Thể thao Đông Nam Á đã dịch chuyển từ lâu để tập trung phấn đấu cho Asiad, Olympic. Việt Nam có chuyển biến, có giành chiến thắng ở một vài môn Olympic như bắn súng, cử tạ, thể dục, bơi, điền kinh nhưng rất chậm. Để có được HCV Asiad và huy chương Olympic cần có chiến lược, đầu tư tối đa và quy trình huấn luyện bài bản.
* Việc cần làm ngay với thể thao Việt Nam lúc này là gì, thưa ông?
- Sau Asiad 19, tôi nghĩ những người có trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao phải ngồi lại, kiểm điểm nghiêm túc về đường lối, chủ trương, biện pháp, thực hiện mục tiêu.
Chúng ta phải xác định rõ cần SEA Games hay Asiad, Olympic hơn. Xác định rõ mục tiêu thì mới dành nguồn lực trọng tâm cho nó. Việt Nam có nhiều VĐV tài năng, nếu không làm kịp sẽ lại lỡ nhịp, qua giai đoạn đỉnh cao của VĐV. Không bắt tay vào nhìn nhận mình đang ở đâu, phải làm gì thì Olympic Paris 2024, hay 4 năm nữa thể thao Việt Nam sẽ lặp lại điều tương tự tại Asiad.
Những người làm thể thao phải cầu thị, đánh giá nghiêm túc điều làm thể thao Việt Nam chậm lại là gì. Đây là trách nhiệm của những người làm thể thao, những nhà quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
* Vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với việc hoạch định và thực hiện mục tiêu vươn tầm châu lục của thể thao Việt Nam ra sao, thưa ông?
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ, có kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao. Làm như thế nào là do bộ.
Trách nhiệm này xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, vinh quang của đất nước, chứ không thể coi nhẹ được. Hiện nay, thành tích của thể thao Việt Nam chưa đáp ứng được điều này. Asiad 19 là đại hội thất bại của thể thao Việt Nam. Nhưng cũng may, chúng ta đã nhìn thấy mình ở đâu.
Đứng số 1 trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32 nhưng đoàn thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á tại Asiad 19, bị các đối thủ bỏ xa.