Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Quốc hội mới đây.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng (hiện tượng ngân hàng này nắm giữ cổ phần tại nhà băng khác), giữa ngân hàng và doanh nghiệp từng bước được kiểm soát thời gian qua. Số cặp sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay được khắc phục. Cổ đông, người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tồn tại ở các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Tuy vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, xử lý sở hữu vượt giới hạn, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ người khác đứng tên số cổ phần sở hữu để lách luật. Việc này dẫn tới thực trạng tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này và tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu minh bạch.
Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một nhóm cổ đông, người liên quan lớn. Việc này không vi phạm pháp luật nhưng tiềm ẩn rủi ro, theo Ngân hàng Nhà nước.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, khó khăn trong xử lý dứt điểm sở hữu chéo là Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý các nhà băng trong khi sở hữu chéo liên quan tới nhiều trường hợp thuộc quản lý của các bộ, ngành khác. Do đó, ngành ngân hàng không nắm được thông tin và không có công cụ kiểm soát tình trạng sở hữu của các doanh nghiệp.
"Việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thiếu thông tin xác định tính liên quan về sở hữu của doanh nghiệp, nhất là với đơn vị không phải công ty đại chúng", Ngân hàng Nhà nước nêu khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết sẽ tăng thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần, cho vay, đầu tư, góp vốn của các tổ chức tín dụng. Cơ quan này sẽ xem xét chuyển cơ quan điều tra trong trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm. Chẳng hạn, năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn tới thâu tóm, chi phối hay cấp tín dụng với khách hàng lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc tuân thủ quy định về đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng cần dùng vốn vay từ các ngân hàng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Cơ chế xử lý tình trạng lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của ngân hàng cũng sẽ được nhà chức trách hoàn thiện khi sửa Luật các tổ chức tín dụng, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.