Chương trình đã đặt ra những vấn đề bất cập về cách tiếp cận văn hóa, tri thức truyền thống của người trẻ Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay.
Và thư viện số được xem là một trong những giải pháp để lan tỏa rộng rãi hơn những tri thức quý báu đến công chúng.
Khó khăn khi lưu trữ, truyền tải tư liệu quý
Anh Phan Khắc Huy, người sáng lập của Vang vọng trống chầu, cho biết khó khăn của những nhà nghiên cứu, viết sách là vấn đề lưu trữ.
Anh Huy lấy ví dụ: "Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có nhiều công trình nghiên cứu về diễn xướng Nam Bộ.
Tuy nhiên, khi đọc các công trình này thì khó hình dung ra được những điệu thức ca hát, kỹ thuật biểu diễn được ghi chép, nên chúng tôi đã cố gắng tìm tới các nghệ nhân, nghệ sĩ để trực tiếp thâu âm, ghi hình lại.
Nhưng cuối cùng cũng không biết lưu trữ và truyền tải như thế nào".
Văn học dân gian Nam Bộ phong phú về thể loại và đề tài như: dân ca, tục ngữ, hò vè, thơ... Nghệ thuật diễn xướng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa Nam Bộ từ thời khai hoang vì nó mang đậm bản sắc dân tộc.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết công việc giảng dạy về văn hóa dân tộc mới chỉ diễn ra gần đây. Người trẻ gần như không biết rõ về ngôn từ, các quan hệ trong văn hóa dân gian.
"Các em học sinh thuộc rất nhiều ca dao nhưng các bạn hầu như không biết những bài ca dao đó được hát như thế nào, được diễn xướng trong làn điệu nào, trong môi trường bối cảnh nào", ông Trảng nói.
Nguyên tắc của sự yêu thích là "vô tri thì bất mộ". Theo ông Trảng, người trẻ không được tiếp cận nhiều và hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc như: Hát bội, cải lương, kịch nói… thì họ sẽ không thể yêu thích được.
Thư viện số đưa trải nghiệm từ trang sách ra cuộc đời
Nhiều ý kiến đồng tình rằng việc lập ra những thư viện số trực quan, sinh động chứa các tư liệu quý là một giải pháp để người trẻ có thể tiếp cận tri thức một cách gần gũi hơn.
Ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, khẳng định: "Thư viện số Nguyễn An Ninh, chuyên đề về Nam Bộ và Thư viện số Doanh nhân Việt Nam là những công trình tâm huyết của những con người yêu sách, lịch sử, văn hóa và kinh tế Việt Nam".
Thư viện số Nguyễn An Ninh chuyên đề về Nam Bộ do Quỹ Hoa Sen sáng lập, có những đầu sách, cuốn phim tài liệu giới thiệu những giá trị lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị, con người của vùng đất này đến với đông đảo công chúng.
"Chúng tôi mong muốn thư viện này được cộng đồng biết đến nhiều hơn và chung tay góp sức để cùng xây dựng, đặc biệt là các bạn trẻ" - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, chủ tịch hội đồng quản lý quỹ Hoa Sen, bày tỏ.
Bà cũng mong dự án Thư viện Nguyễn An Ninh sẽ mang những trải nghiệm của các tác giả trong sách ra cuộc đời một cách trực quan, sinh động.
Thư viện số Doanh nhân Việt Nam cũng là một tâm huyết ấp ủ gần một năm của ông Trần Hoàng - tổng biên tập tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
Ông Hoàng chia sẻ: "Thư viện nhằm tôn vinh, giữ gìn những giá trị của doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi mong có thể đưa thư viện này tiếp cận với các trường đại học để giới thiệu những kinh nghiệm, bài học điển hình, cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy trong quá trình giao thương và hợp tác quốc tế cho sinh viên Việt Nam".
Thư viện số Doanh nhân Việt Nam là nơi lưu truyền sử sách những doanh nhân tiêu biểu; lưu trữ và gia tăng giá trị khối tài sản tri thức, kinh nghiệm của các doanh nhân Việt Nam để phục vụ nhu cầu tham khảo, nghiên cứu, học tập của các doanh nhân và bạn đọc.
TTO - Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2019, đến tháng 10-2019, nền tảng thư viện TEZ đã có khoảng 19.000 lượt đăng ký thành viên, một con số đáng kể trong những tháng khởi đầu.