Tuổi Trẻ Online mới đây có bài viết "Việt Nam sẽ công nhận bằng tiến sĩ 'du học ngắn ngày'?". Sau bài viết, có nhiều ý kiến tranh luận của độc giả về chuyện công nhận bằng cấp.
Theo dự thảo thông tư quy định về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, nhiều hình thức bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ xa có khả năng sẽ được công nhận trong thời gian tới.
Dự thảo đang được lấy ý kiến và nhận được nhiều góc nhìn. Là người ủng hộ công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của trường nước ngoài đạt kiểm định chất lượng, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên nêu một số ý kiến về chủ đề này.
Công nhận bằng cấp theo xu hướng
"Dưới góc nhìn của tôi, việc lâu nay Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam không công nhận bằng cấp đào tạo hoàn toàn trực tuyến hoặc từ xa của nước ngoài đã gây ra một số vấn đề.
Thứ nhất, không phù hợp thông lệ thế giới. Các đại học ngày nay khuyến khích nhiều hình thức học tập khác nhau, và không có sự phân biệt cách thức đào tạo như trực tiếp tại giảng đường, trực tuyến qua mạng, từ xa qua phương tiện truyền thông, hay kết hợp các hình thức đó.
Chỉ cần người học đạt các yêu cầu học tập, yêu cầu đầu vào, đầu ra thì bằng cấp của hình thức học tập nào do cùng trường cấp ra cũng có giá trị như nhau.
Như vậy việc Việt Nam không công nhận bằng cấp đào tạo trực tuyến hay từ xa của nước ngoài không giải quyết vấn đề quản lý chất lượng ở đây, mà từ khóa đúng chúng ta cần quan tâm là "kiểm định chất lượng": Trường học đó có đạt kiểm định chất lượng của chính phủ nơi trường thành lập, hay các tổ chức được các cơ quan chính phủ công nhận không.
Thứ hai, đi ngược lại xu hướng. Việc học trực tuyến hoàn toàn hoặc một phần ngày nay là một cách học hiệu quả, cho phép người học tham gia vào các lớp học toàn cầu, kết nối, chia sẻ, học hỏi trong không gian rộng lớn hơn nhiều so với trước đây.
Học trực tuyến hoặc từ xa là một cách học chủ động, phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời của người dân, người lao động trong thế kỷ 21.
Do vậy, việc không công nhận bằng cấp của hình thức học này làm hạn chế cơ hội tiếp cận của người học rất nhiều.
Nên đi kèm điều kiện nào?
Thứ ba, vô tình buộc người học phải mất thêm chi phí để ra nước ngoài học tập. Chúng ta đều biết là ngoài học phí thì chi phí đi lại, ăn, ở, bảo hiểm… của việc học trực tiếp tại khuôn viên trường là rất lớn. Ngoài ra là các chi phí cơ hội về thời gian, việc làm, thu nhập…
Do vậy hình thức học từ xa có những ưu điểm riêng, đặc biệt với bậc sau đại học khi người học đã có khả năng tư duy độc lập cũng như kỹ năng học tập chủ động.
Thứ tư, bỏ lỡ cơ hội nâng cấp chất lượng cho một lực lượng trình độ cao, đặc biệt là giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu.
Nếu chúng ta công nhận bằng cấp của các trường đại học được kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng, dù dạy từ xa, thì một lực lượng lớn các nhà nghiên cứu và giảng viên đại học tại Việt Nam đã có thể có bằng thạc sĩ, tiến sĩ của rất nhiều trường hàng đầu thế giới, và chúng ta có cơ hội rất lớn để các trường đại học trong nước thăng hạng trên bảng xếp hạng các đại học toàn cầu ở tiêu chí giảng viên.
Tại sao các đại học nước khác trong bảng xếp hạng toàn cầu không phân biệt bằng cấp học từ xa, trực tuyến giảng viên của họ, mà chúng ta lại phải tự làm khó mình với quy định này để tự mình "rớt" xuống hạng thấp hơn?
Từ những vấn đề bất cập trên đây, tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn nên khuyến khích người học học từ xa với đại học nước ngoài nếu có đủ khả năng, cũng như có nhu cầu, và chỉ cần có một số chính sách.
Cụ thể, dù học với trường nào, trường cũng cần đạt kiểm định chất lượng đầy đủ. Tiếp nữa là bằng cấp có giá trị cao hay thấp là do người sử dụng lao động tự thẩm định.
Nếu bằng là bằng tiến sĩ, và trường đại học là đơn vị tuyển dụng giảng viên, thì trường hoàn toàn có đủ năng lực để thẩm định giá trị của văn bằng như: Trường xếp ở thứ hạng nào trên thế giới, ngôn ngữ học là gì, chuyên ngành là gì, uy tín học thuật của tấm bằng đó tới đâu,…
Ngoài ra còn là sự minh bạch thông tin để nhiều lực lượng xã hội khác nhau giám sát chất lượng của bằng cấp như những công cụ quản lý "mềm" thay cho những công cụ "cứng".
Theo tôi, chúng ta hoàn toàn không muốn tình huống chỉ vì muốn phòng ngừa rủi ro với trường học kém chất lượng mà chặn luôn cơ hội học tập của người học vì các rào cản hành chính, chi phí… do chính mình tạo ra.
Làm sao chúng ta thuyết phục được công chúng bằng "tiến sĩ cầu lông" đúng quy trình đào tạo của một đại học trong nước có chất lượng tốt hơn một bằng tiến sĩ đào tạo từ xa của Đại học Florida (Mỹ), Đại học St. Andrews (Anh), Đại học New South Wales (Úc)…?".
CHUYÊN GIA GIÁO DỤC BÙI KHÁNH NGUYÊN
Đây là một trong số nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, diễn ra sáng 4-8 tại TP.HCM.