Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng 2016-2021.
Theo báo cáo này, sản lượng điện sản xuất hàng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước và hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Chẳng hạn, năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt 247 tỷ kWh, tăng 1,5 lần so với năm 2015 (163,8 tỷ kWh). Điện thương phẩm tiêu thụ cũng tăng 1,5 lần so với 2015, đạt gần 217 tỷ kWh. Với mức này, sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người tăng 1,42 lần trong 5 năm.
Tuy nhiên, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra nhiều tồn tại trong phát triển năng lượng khiến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức. Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Tài nguyên năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh.
Cung và cầu năng lượng trong nước mất cân đối, nguồn phát điện giữa các vùng và một số dự án nguồn điện chậm vận hành (Na Dương II, Quỳnh Lập I, Cẩm Phả III; chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, LNG Thị Vải, LNG Sơn Mỹ) hoặc dừng triển khai. Những tồn tại này dẫn tới tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong tháng 5 và 6/2023. Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo công bố hồi tháng 8, Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện, tương đương khoảng 0,3% GDP.
Nguy cơ thiếu điện, theo đoàn giám sát, còn có thể kéo dài trong ngắn - trung và dài hạn tới 2050. Trong khi đó, theo các chuyên gia, miền Bắc có nguy cơ tiếp tục thiếu điện khi hai năm tới chưa có nguồn mới nào được bổ sung, vận hành.
Nguy cơ thiếu điện tái diễn, nhất là vào 2024-2025 cũng được EVN nêu trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương gần đây. Tập đoàn này dự báo năm 2024 "cơ bản đủ điện", nhưng năm 2025 miền Bắc có thể thiếu trên 3.630 MW và sản lượng khoảng 6,8 tỷ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5-7) do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm. Ngoài đẩy nhanh các dự án nguồn, lưới điện để đưa điện ra Bắc, EVN đề xuất đẩy nhanh mua điện từ Lào.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm minh bạch. Các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Giá điện được điều chỉnh, nhưng chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp.
Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, cũng chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần.
"Giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá của nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, tức là vẫn tồn tại bù chéo. Việc này chưa phù hợp mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện", báo cáo nêu.
Với lĩnh vực truyền tải điện, giá dịch vụ này quá thấp, 79,09 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện.
Mặt khác, chính sách giá năng lượng sơ cấp còn bất cập như việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ; việc xây dựng khung giá phát điện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cơ chế khuyến khích hiện nay chưa đủ sức thu hút các nhà máy điện BOT tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm; chưa xây dựng được cơ chế tài chính và hoàn thành việc chuyển Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV.
Trong lĩnh vực xăng dầu, thị trường trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành. Hiện, Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20-30%. Hai doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, đáp ứng 70-75% nhu cầu nội địa, nếu bị ngừng sản xuất do duy tu, bảo dưỡng kéo dài thì ảnh hưởng ngay đến thị trường trong nước. "Thị trường xăng dầu trong nước bị động và thiếu nguồn cung, gặp vướng mắc trong cơ chế điều hành giá", báo cáo đoàn giám sát nêu.
Cũng theo báo cáo giám sát, quy hoạch các phân ngành năng lượng triển khai còn hạn chế, nhất là trong thực hiện Quy hoạch điện VII, và VII điều chỉnh với phát triển điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ.
Dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ, báo cáo của đoàn giám sát cho hay, việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 14.707 MW; 123 dự án điện gió (công suất 9.047 MW), phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138 MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016-2020 đã gây ảnh hưởng đến phát điện và truyền tải điện lên hệ thống. Giai đoạn 2016-2021, thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 15.170 tỷ đồng, 5.960 m2 đất, xử lý hành chính 246 tổ chức, 724 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục, xem xét, xử lý 23 vụ
Việc đầu tư nguồn điện và lưới điện giai đoạn 2016-2021 chưa đồng bộ, bất cập. Năng lực đấu lưới và truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các năng lượng tái tạo ở khu vực miền Trung. Nguồn phát điện ở miền Bắc còn thiếu và chưa xây dựng được hệ thống kết nối năng lượng với khu vực ASEAN một cách ổn định và hiệu quả.
Ngoài ra, hạ tầng và hệ thống nhập khẩu, trung chuyển than quy mô lớn, các dự án kho cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) chậm triển khai, hệ thống kho cảng xăng dầu đầu tư còn dàn trải, hiệu quả sử dụng thấp. Việc kết nối giữa các cơ sở sản xuất điện và bán điện, cơ chế điều phối, mua điện còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều kiến nghị về giải pháp được đoàn giám sát đưa ra, một trong số đó là đề xuất cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án nguồn, lưới điện; hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng thông qua sửa Luật Điện lực
Theo Đoàn giám sát, năm 2023 cần ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, danh mục các dự án phát triển năng lượng quan trọng quốc gia, cấp bách trong giai đoạn 2023-2030. Bởi, đây là căn cứ triển khai các dự án.
Cùng với đó, đoàn giám sát đề nghị đẩy nhanh đầu tư hệ thống kho dự trữ quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu, hạ tầng kho, cảng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG); hệ thống kho, cảng trung chuyển và dự trữ than.
Đoàn Giám sát còn kiến nghị trong năm 2023 trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2045, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi.
Anh Minh