9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội toàn thành phố có nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng quý III cao hơn hai quý trước, đạt 6,71%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,2% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những chính sách đúng đắn và sự thực thi quyết liệt từ cơ quan ban ngành, kết quả trên còn đến từ sự chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mà Sacombank vinh dự được là một phần trên hành trình đó.
Tăng cường tiếp vốn cho cộng đồng doanh nghiệp
Doanh nghiệp là đơn vị quan trọng cấu thành nền kinh tế. Nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của TP.HCM, một trong những mục tiêu trọng yếu được đặt ra là phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là hỗ trợ về vốn.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã phát đi nhiều văn bản yêu cầu giảm lãi suất cho vay. Hàng loạt giải pháp khơi thông dòng chảy tín dụng cũng được UBND TP.HCM và UBND các quận huyện trên địa bàn liên tục triển khai.
Sự kiện Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được UBND TP.HCM tổ chức vào tháng 2-2023 đã có 11 ngân hàng cam kết cho vay 11.000 tỉ đồng đối với 64 doanh nghiệp, lãi suất trung bình từ 7-10%/năm. Trong đó, Sacombank dành 1.000 tỉ đồng với mức lãi suất giảm sâu đến 4,4%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh...
Ông Nguyễn Bá Trị - phó TGĐ kiêm giám đốc Sacombank khu vực TP.HCM - cho biết việc tăng cường vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được xem là một trong những mục tiêu chiến lược của Sacombank, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Điều này không chỉ vì tín dụng doanh nghiệp là một trong những lĩnh vực kinh doanh trọng yếu của chúng tôi mà còn vì sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng, cùng xã hội được Sacombank đặt ra từ những ngày đầu thành lập.
Cũng theo ông Trị, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã chủ động triển khai liên tiếp các gói cho vay có tổng giá trị hơn 68.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm áp dụng trên toàn quốc. Các gói này phục vụ cho cả khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với nhiều mục đích sử dụng vốn đa dạng như vay tiêu dùng, vay mua ô tô, vay thanh toán hàng, sản xuất, kinh doanh…
Phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã ban hành văn bản đến các ngân hàng về việc đẩy mạnh triển khai giải pháp nhằm tăng cường ngăn chặn, phòng ngừa tín dụng đen. Đây cũng là một trong những nội dung được Chính phủ quan tâm khi càng về cuối năm, tín dụng đen càng có nhiều biến tướng, thủ đoạn mới.
Theo đó, một số hoạt động mà các ngân hàng có thể làm để đóng góp vào công tác này là phát triển đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp.
Với lợi thế sẵn có về mạng lưới hoạt động và hệ sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu của các phân khúc khách hàng khác nhau, Sacombank đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ như: cho vay trả góp lãi suất 0%; cho vay qua thẻ tín dụng với hạn mức vay đến 100 triệu đồng, thủ tục nhanh gọn; vay cầm cố sổ tiết kiệm online đặc biệt có thể thực hiện ngay trên ứng dụng Sacombank Pay.
Ngân hàng cũng đi đầu trong việc tiếp cận những nhóm khách hàng có xu hướng tìm đến tín dụng đen nhiều nhất như tiểu thương, công nhân thông qua sản phẩm chuyên biệt cho vay tiểu thương có hạn mức lên đến 1 tỉ đồng.
Song song đó là các chương trình tiếp thị, mở thẻ tín dụng trực tiếp tại các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông công dân, người lao động bình dân, vay online đối với hệ khách hàng có thu nhập từ lương.
Bên cạnh tính năng vay online, việc quản lý tài khoản vay, thanh toán, tất toán đều được thực hiện nhanh gọn qua ứng dụng Ngân hàng điện tử của Sacombank.
Nhờ đó, 9 tháng đầu năm, số lượng thẻ tín dụng cá nhân mở mới của Sacombank đạt hơn 250 nghìn thẻ, riêng khu vực TP.HCM là gần 60 nghìn thẻ. Cho vay tín dụng tiêu dùng đạt hơn 56 nghìn tỉ đồng, riêng khu vực TP.HCM đạt hơn 27 nghìn tỉ đồng.
"Thông qua việc triển khai các sản phẩm - dịch vụ hiện đại, nhất là các sản phẩm - dịch vụ số, điều chúng tôi mong muốn không chỉ là chung tay ngăn chặn tín dụng đen mà còn góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số của thành phố", ông Trị chia sẻ.
Với những dấu ấn nổi bật trên hành trình đồng hành vì sự phát triển của TP.HCM, Sacombank từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng, danh hiệu quan trọng như danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu TP.HCM năm 2020 do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM trao tặng, giải thưởng Thương hiệu Vàng TP.HCM 2021, 2022 do Sở Công Thương TP.HCM và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn bình chọn.
Gần đây nhất, Sacombank tiếp tục được vinh danh là Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2023 nhờ những sáng kiến về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Mục tiêu hàng đầu của Sacombank là tái cơ cấu thành công
Đây là lời khẳng định của Sacombank tại sự kiện Đại hội đồng cổ đông và liên tục được đề cập xuyên suốt trong các sự kiện, chương trình lớn của ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 9-2023, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đạt hơn 651 ngàn tỉ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 6.840 tỉ đồng, hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác thu hồi và xử lý nợ xấu được đẩy mạnh với số thu đạt hơn 2.900 tỉ đồng, nâng tổng số thu hồi xử lý lũy kế kể từ khi triển khai Đề án lên mức 90.800 tỉ đồng.
Ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định đối với tất cả các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng bao gồm cả trái phiếu VAMC. Với sự tăng trưởng liên tục và triển vọng phát triển, Sacombank nhận được những đánh giá tích cực từ các tổ chức trong và ngoài nước, nhiều dự đoán cho rằng Ngân hàng sẽ hoàn thành tái cơ cấu trước hạn.
Trao đổi về định hướng trong tương lai, một lãnh đạo Sacombank cho biết ngân hàng đang dốc toàn lực cho mục tiêu tái cơ cấu thành công và hiện chưa có kế hoạch đầu tư ngoài ngành. Trong tương lai, nếu xem xét thấy có những cơ hội phù hợp, Sacombank sẽ thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định pháp luật và công bố chiến lược của mình sau khi được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền.