Ông Lê Hồng Lợi cho biết, đảo Phú Quý hiện có hơn 1.500 tàu cá (580 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên) đánh bắt hải sản, sản lượng hằng năm hàng chục nghìn tấn. Riêng năm 2022 khai thác đạt 32.200 tấn hải sản. Trong những năm qua, Phú Quý phát triển mạnh loại hình tàu hậu cần nghề cá, thu mua hải sản trên biển, cung cấp nguyên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân đánh bắt bám biển dài ngày.
Hiện nay, toàn đảo có đến 111 tàu thu mua, cung cấp dịch vụ trên biển. Ông Lợi cho biết loại hình tàu dịch vụ góp phần quan trọng trong bảo quản chất lượng hải sản, đồng thời giảm chi phí cho ngư dân.
Huyện đảo hiện có 80 "tổ đoàn kết" với 530 tàu, thuyền tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong khai thác hải sản và các sự cố, rủi ro, chống bão trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
"Từ năm 2018 đến nay, đảo Phú Quý không còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (IUU), vì huyện đảo làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, vận động bà con thực hiện đầy đủ các quy định về đánh bắt xa bờ", ông Lợi cho hay.
Theo ông Lợi, lực lượng chức năng của địa phương đã phối kết hợp cùng Bộ đội Biên phòng kiểm soát tàu cá ra khơi theo đúng quy định. Ngư dân trên đảo phấn khởi do được hỗ trợ dầu cho từng tàu cá đi đánh bắt xa khơi. Bà con còn thành lập các tổ hợp tác hỗ trợ nhau trên biển, không chỉ giúp đỡ nhau khai thác thủy sản, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo. Đội tàu trên đảo hiện có 88 tàu cá đóng mới, trong đó có tàu đóng theo Nghị định 67/CP của Chính phủ.
Kêu gọi xã hội hóa một số lĩnh vực trên đảo
Trong buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận ngày 26.3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc Bình Thuận ưu tiên đầu tư toàn diện để đảo Phú Quý phát triển mạnh về kinh tế, vững chắc về an ninh quốc phòng là sự đầu tư đúng hướng.
Trực tiếp dự buổi làm việc này, ông Lê Hồng Lợi hiểu rất rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự đầu tư toàn diện nhằm nâng cao cuộc sống của người dân trên đảo.
Ông Lê Hồng Lợi thông tin, trên đảo đã đầu tư khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đang chuẩn bị giai đoạn 2. Hơn 3 km kè biển ở 2 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng đã được triển khai. Đây là những công trình quan trọng phục vụ phát triển ngành thủy sản trên đảo. Bên cạnh đó, huyện đảo đang kiến nghị tỉnh, T.Ư đầu tư kè chống xâm thực phía bắc đảo (thuộc xã Long Hải).
Hiện nay đảo có một nhà máy xử lý rác 70 tấn/ngày đêm nhưng xử lý rác thải vẫn chủ yếu bằng phương pháp đốt kết hợp làm phân vi sinh. Phương pháp này về lâu về dài không phù hợp.
Ông Lê Hồng Lợi cho biết, huyện ủy đang tính đến việc nghiên cứu, ban hành các chính sách đột phá, tìm giải pháp kêu gọi xã hội hóa một số lĩnh vực, trong đó có vấn đề xử lý chất thải trên đảo.
"Chúng tôi xác định, đảo sẽ phát triển với 2 trụ cột là đánh bắt thủy sản, hậu cần nghề cá và thương mại dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên đất đai, đồng thời phát triển đảo gắn với nhiệm vụ an ninh quốc phòng", ông Lợi nhấn mạnh.
Đảo Phú Quý (còn gọi cù lao Thu), cách TP.Phan Thiết 56 hải lý. Đảo Phú Quý có vị trí chiến lược trong bảo vệ đất liền và là tuyến sau của quần đảo Trường Sa, có Hòn Hải là cột mốc A6 - đường cơ sở để tính lãnh hải Việt Nam.
Đảo Phú Quý còn nằm sát đường vận tải quốc tế, là căn cứ nổi phục vụ các đội tàu đánh bắt xa bờ, có tiềm năng phát triển cảng nước sâu và làm dịch vụ hàng hải, dầu khí...
Ngoài đảo chính, Phú Quý còn có Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Giữa, Hòn Đồ lớn, Hòn Đồ nhỏ, Hòn Tý và Hòn Hải.