vĐồng tin tức tài chính 365

Làm rõ trách nhiệm các vi phạm trong quy hoạch điện

2023-10-13 07:16

Nguy cơ thiếu điện là hiện hữu

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ - môi trường Quốc hội (QH) Lê Quang Huy cho biết năng lượng VN giai đoạn 2016 - 2021 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hằng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.

Làm rõ trách nhiệm các vi phạm trong quy hoạch điện - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

TTXVN

Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng VN khiến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức. Ông Huy nêu rõ, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. "Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024 - 2025), trung hạn (2025 - 2030) và dài hạn (2030 - 2050) là nguy cơ hiện hữu", ông Huy nhấn mạnh.

Ông Huy dẫn chứng, những bất cập trong cung ứng năng lượng, cùng với việc mất cân đối giữa cung - cầu năng lượng trong nước và một số dự án nguồn điện chậm vận hành hoặc dừng triển khai… dẫn tới tình trạng thiếu điện ở miền Bắc đầu năm 2023. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo công bố hồi tháng 8, VN thiệt hại khoảng 1,4 tỉ USD do thiếu điện, tương đương khoảng 0,3% GDP.

Bên cạnh đó, ông Huy cũng cho biết việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh với phát triển điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ. Cụ thể như việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047 MW, phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138 MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020, gây ảnh hưởng việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.

Cũng theo ông Huy, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm minh bạch. Giá điện được điều chỉnh nhưng chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện. Tương tự, đoàn giám sát cho rằng thị trường xăng dầu trong nước bị động và thiếu nguồn cung, gặp vướng mắc trong cơ chế điều hành giá…

Đang kiểm tra, điều tra quy hoạch điện

Nêu ý kiến tại phiên giám sát, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời làm rõ thực trạng, tồn tại, hạn chế, làm rõ trách nhiệm để tạo ra chuyển biến sau giám sát chứ không thể nói chung chung. "Tôi đề nghị phải chỉ rõ trách nhiệm, không thể chỉ 8 dòng chung chung như báo cáo thế được", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Làm rõ trách nhiệm các vi phạm trong quy hoạch điện - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Chủ tịch QH cũng gợi ý nên tập trung vào vấn đề an ninh năng lượng, trong đó quan trọng nhất là điện và xăng dầu. Trong điện thì tập trung vào Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII. Chủ tịch QH cho biết hiện cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra đang chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc lập và triển khai Quy hoạch điện VII. Trong khi đó, Quy hoạch điện VIII đã có nhưng không triển khai được gì hết vì phải chờ kế hoạch triển khai. "Liệu như thế có đúng luật Quy hoạch không?", Chủ tịch QH nêu.

Cũng quan tâm tới quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh có hiện tượng đã có tên dự án với quy mô công suất cụ thể, tên nhà đầu tư, dự án trong danh mục trong quy hoạch rồi. "Tức là cạnh tranh, đấu thầu dự án trong danh mục dự án thuộc quy hoạch có vấn đề. Đề nghị đoàn giám sát xem câu chuyện này có hay không", ông Thanh nêu.

Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn thực trạng Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện ra sao khi để xảy ra tình trạng điện thì thừa mà không hòa được lưới điện quốc gia. "Một số DN bất bình, không tin vào chính sách năng lượng của chúng ta. Quy hoạch thì vượt công suất truyền tải, đến khi có điện rồi không hòa lưới điện cho người ta, rồi hợp đồng giá cả… DN, người dân nói rất nhiều. Có vấn đề gì trong đó không, có lợi ích nhóm không? Đoàn giám sát phải phát hiện, nếu có thì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng", ông Phương nêu.

Biểu giá điện hỗ trợ FIT đã bị lợi dụng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết cơ cấu giá điện và thực hiện điện cạnh tranh đều đã có lộ trình. Do đó, ông đề nghị đoàn giám sát đánh giá việc gì đúng lộ trình, việc gì chưa đúng lộ trình và việc chậm thực hiện các lộ trình này tác động tiêu cực tới những hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện cũng như của nền kinh tế.

Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường đề nghị sớm xem xét, quyết định các vấn đề liên quan giá điện. Ông Cường phân tích, giá điện hiện nay của VN thấp hơn so với giá trung bình của thế giới. Giá điện thấp cũng có mặt tốt nhưng cũng có mặt không tốt. Một số DN có thể lợi dụng chính sách giá điện này để sử dụng trong việc luyện nhôm, luyện thép, như vậy là sẽ trợ giá cho các DN, nhất là các DN FDI. "Nếu tình trạng bù giá, trợ giá như thế này thì khả năng phá sản của Tập đoàn điện lực VN (EVN) là hiện hữu", ông Cường nêu.

Báo cáo thêm sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thừa nhận vấn đề giá điện, cơ chế mua bán điện cạnh tranh đã được đưa ra nhiều lần nhưng khâu tổ chức thực hiện tới nay vẫn lúng túng. "Trong thời gian vừa qua biểu giá điện hỗ trợ (FIT) đã bị lợi dụng", ông Hà thừa nhận và cho rằng phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng, song quản lý thế nào để đảm bảo hiệu quả, an toàn. "Những vấn đề này như Chủ tịch QH đã nói, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra đang làm. Điều này nói lên sơ hở trong công tác quy hoạch và sơ hở trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch này", ông Hà khẳng định.

Về vấn đề giá điện, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết mới đây Thủ tướng cũng đã chủ trì họp và thấy rằng có thể quy định được giá thị trường của giá điện, đặc biệt là vấn đề cho phép mua bán điện trực tiếp mà không cần phải sửa luật Điện lực. "Từ nay đến cuối năm chắc chắn phải ban hành được một nghị định và khoảng 3 thông tư. Trách nhiệm này là thuộc Bộ Công thương", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đề xuất tăng 16.100 tỉ đồng cho vay hỗ trợ việc làm

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết 43 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi KT-XH (chương trình). Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định giảm 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội thuộc chương trình. Đồng thời, tăng 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỉ đồng.

Chính phủ cũng đề xuất giảm toàn bộ số vốn của chương trình đã bố trí cho Bộ LĐ-TB-XH để thực hiện 5 dự án là 950 tỉ đồng và cho phép không thực hiện các dự án này. Đồng thời giảm số vốn của chương trình đã bố trí cho Bộ GD-ĐT là 271,028 tỉ đồng của 2 dự án.

Chính phủ cũng đề nghị QH cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hết thời hạn sẽ trình QH hủy dự toán.

Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình đến hết năm 2025. Vì hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình đến ngày 31.8 chỉ đạt 33.840 tỉ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (khoảng 175.217 tỉ đồng).

Xem thêm: mth.611149322210132581-neid-hcaoh-yuq-gnort-mahp-iv-cac-meihn-hcart-or-mal/nv.neinhnaht

Comments:4 | Tags:No Tag

“Làm rõ trách nhiệm các vi phạm trong quy hoạch điện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools