Có trường hợp người trong cuộc đã chết, đời con cháu vẫn tiếp tục kiện tụng.
Một vụ kiện, ba lần đổi thẩm phán
Tháng 10-2018, ông Nguyễn Phương Du (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) khởi kiện Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SABECO) tại TAND quận 5.
Theo đơn khởi kiện, ông Du mua một két bia Sài Gòn Đỏ loại chai về uống nhưng khi khui ra uống thì thấy chai bia chỉ còn 1/2 lượng nước và có mùi hôi. Trong két bia này cũng có một chai khác chỉ có 1/4 nước bia nên ông chưa khui và giữ lại, báo với phía nhà sản xuất. Song sau đó cả hai bên không có tiếng nói chung nên ông Du khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tháng 1-2019, thẩm phán Lương Trung Vân Nhi (TAND quận 5) thụ lý vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tòa đã nhiều lần lấy lời khai của các bên liên quan, trưng cầu giám định, hòa giải...
Tuy nhiên, gần chín tháng sau, TAND quận 5 ra quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng. Theo đó, do thẩm phán Lương Trung Vân Nhi không còn công tác nên chuyển lại hồ sơ cho thẩm phán Nguyễn Văn Chính (lúc này ông Chính đang là chánh án TAND quận 5) tiếp tục giải quyết vụ án. Đến ngày 20-4-2021, TAND quận 5 đưa vụ án này ra xét xử nhưng sau đó tạm ngừng phiên tòa.
Cuối tháng 4-2021, thẩm phán Nguyễn Văn Chính nghỉ hưu, vụ án được phân công lại cho thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích. Đến ngày 26-9-2023, TAND quận 5 đình chỉ yêu cầu khởi kiện do người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vắng mặt lần 2.
Ông Du cho rằng từ khi nộp đơn khởi kiện đến nay đã năm năm, qua ba lần thay đổi thẩm phán đã khiến ông quá mệt mỏi.
Điệp khúc: xử - hủy - xử lại
Đầu năm 2012, ông V. (44 tuổi) khởi kiện vụ án hành chính tại TAND quận 12, yêu cầu tòa hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do UBND quận 12 cấp cho ông P..
Theo ông V., thửa đất trên ông mua từ bà H. cuối năm 2003, đến năm 2009 ông được cấp sổ đỏ. Sau đó, ông phát hiện ông P. cũng được cấp sổ đỏ thửa đất trên và đã bán lại cho vợ chồng ông T..
Ông V. khiếu nại thì UBND quận 12 có thông báo yêu cầu ngưng mọi hoạt động chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, xây dựng... thửa đất vì có sự trùng lắp. Nhưng sau thông báo này, UBND quận không tiếp tục giải quyết nên ông V. khởi kiện.
Sau bảy năm thụ lý, cuối năm 2019 TAND quận 12 xử sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông.
Bản án này bị Viện KSND quận 12 kháng nghị do vi phạm tố tụng. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của ông V., hủy sổ đỏ đất đã cấp cho ông P..
Đến tháng 10-2021, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm đối với cả hai bản án trên và cho rằng tòa phúc thẩm chưa giải quyết triệt để vụ án, chưa xác định bản chất vụ án và không có căn cứ để tuyên giữ lại sổ đỏ của ông V. hoặc hủy bỏ sổ đỏ của ông P..
Đầu năm 2022, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ hai bản án trên và giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử lại. Tháng 3-2023, TAND TP.HCM thụ lý lại vụ án.
Kiện từ 20 năm trước, khi chết vẫn chưa xong
Năm 1989, ông Cao Viết Hùng thỏa thuận mua căn nhà trên đường Trương Quốc Dung (phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM) của vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà với giá 55 lượng vàng.
Sau khi giao vàng, do ông Hùng không có hộ khẩu TP.HCM, không thể đứng tên mua nhà được nên khi làm giấy tờ mua bán đã để trống bên mua.
Sau đó, ông Hùng dọn về ở và cất giấy tờ tại căn nhà trên. Do có việc về Hà Nội, ông Hùng nhờ bà N.T.K.Q. trông nom nhà cửa. Năm 1990, ông Hùng phát hiện bà Q. đã đứng tên trên giấy mua bán nhà. Cho rằng bà Q. chiếm đoạt nhà của mình nên ông Hùng đã gửi đơn tố cáo.
Tháng 10-1990, Viện KSND quận Phú Nhuận chuyển đơn của ông Hùng sang tòa án cùng cấp để giải quyết. Năm 2004, TAND quận Phú Nhuận thụ lý vụ án nhưng đến đầu năm 2005 tòa cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự nên chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nhận hồ sơ, Công an quận Phú Nhuận điều tra và cho rằng vụ việc này là quan hệ dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Sau đó, TAND quận Phú Nhuận đã chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM thụ lý giải quyết.
Trong khi đó, bà Q. cho rằng căn nhà trên bà mua từ vợ chồng ông Hà. Khi mua bán hai bên có lập giấy tờ nhận cọc nhưng khi làm giấy tờ mua bán thì giấy đặt cọc đã hủy bỏ.
Hai bên có ký văn tự mua bán nhà. Sau đó bà làm thủ tục và được cấp chủ quyền nhà do bà đứng tên. Bà đã giao vàng cho vợ chồng ông Hà như thỏa thuận.
Năm 2011, TAND TP.HCM tuyên xử căn nhà trên là tài sản chung của ông Hùng và bà Q.. Bản án này đã bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM hủy sau đó. Xét xử lại, TAND TP.HCM tuyên không chấp nhận yêu cầu đòi nhà của ông Hùng.
Tháng 4-2013, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM một lần nữa tuyên hủy án để giải quyết lại.
Gần ba năm sau, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 3 và tuyên công nhận căn nhà trên thuộc sở hữu của bà Q., buộc bà Q. phải thanh toán cho Hùng giá trị 42 cây vàng tại thời điểm xét xử là 1,4 tỉ đồng.
Sau bản án, cả nguyên đơn, bị đơn và người liên quan đều làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên tháng 5-2017, TAND cấp cao tại TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Hơn 33 năm xảy ra tranh chấp, ông Hùng đã lâm bệnh nặng, đột quỵ và mất vào năm 2019, con trai ông Hùng thay mặt các đồng thừa kế tiếp tục theo đuổi vụ kiện.
Hơn sáu năm sau chờ đợi kể từ phiên tòa sơ thẩm lần 3, giữa năm 2022 TAND cấp cao tại TP.HCM mới ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trên nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được xét xử.
* TS Phan Trung Hoài (phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam):
Hao tổn nguồn lực và chi phí tố tụng
Các vấn đề báo Tuổi Trẻ đề cập liên quan đến việc thực thi Bộ luật Tố tụng dân sự rõ ràng đang phát sinh những vướng mắc, bất cập.
Tình trạng giải quyết án dân sự kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng nhưng không bị xem xét về trách nhiệm của tòa án hay coi đó là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
Bản thân tôi cũng gặp một số vụ án dân sự kéo dài từ 10 - 20 năm, đến nay chưa có điểm kết thúc thật sự tốn hao nguồn lực của người dân và chi phí tố tụng.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong báo cáo góp ý đã đề cập đến điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử áp dụng chung cho các cấp xét xử, cho các loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Quy định này là chưa phù hợp với yêu cầu thực tế, dẫn đến nhiều vụ kiện thời gian chuẩn bị xét xử rất dài so với quy định của luật.
Do đó cần nghiên cứu, sửa đổi thời hạn chuẩn bị xét xử theo hướng quy định cụ thể hơn đối với từng loại vụ án và mức độ phức tạp của vụ việc để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Vụ kiện phải được đưa ra xét xử trong thời gian luật định.
Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM):
Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối!
Trong quá trình hành nghề, tôi cũng gặp nhiều vụ án kéo dài trên 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn thế. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do tính chất vụ án quá phức tạp, tòa án bị quá tải, đương sự không hợp tác…
Nhưng dù nguyên nhân gì thì tôi cho rằng pháp luật cần phải nghiêm minh, các vụ án, tranh chấp cần phải được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo công bằng. Vì “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”!
Để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng sự quyết liệt của các cấp tòa là điều quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như trọng tài, hòa giải để chia sẻ gánh nặng với tòa án.
Hiện nay, giám đốc thẩm tuy là một thủ tục đặc biệt nhưng vẫn được áp dụng khá phổ biến. Thực tế không hiếm những bản án đã có hiệu lực pháp luật, tài sản đã được thi hành án, giao cho người khác nhưng sau đó bản án bị tòa cấp trên hủy vì có sai sót, điều này đã gây ra nhiều hệ quả phức tạp, tổn hại niềm tin của người dân.
Do đó, cần có quy định cụ thể hơn, làm rõ hơn trách nhiệm của những người “cầm cân nảy mực” đối với bản án mình đã tuyên. Bởi một thẩm phán có thể xử hàng trăm vụ nhưng người dân cả đời có thể chỉ một lần vướng vào kiện tụng và số phận của họ chìm hay nổi phụ thuộc vào một bản án.
Kiện tụng luôn là việc cực chẳng đã với người dân. Khi các bên không thể tìm được tiếng nói chung, họ phải nhờ đến các cơ quan công quyền phân xử.