“Chúng ta sẽ có thêm nhiều doanh nhân lớn, doanh nhân của thời kỳ mới, đó là điều chắc chắn”, ông Công tin tưởng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn nhân Ngày 13/10.
Thưa ông, trong nhiều năm qua, chúng ta luôn kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp lớn, tầm cỡ khu vực, toàn cầu. Thực tế, chúng ta đã có một số doanh nghiệp, nhưng chưa nhiều, ít có doanh nghiệp có năng lực dẫn đầu chuỗi cung ứng... Điều này đã được nhắc đến khi đánh giá thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Điều gì khiến ông nhắc đến những doanh nhân, doanh nghiệp lớn vào thời điểm này?
37 năm Đổi mới đã khẳng định tố chất và năng lực của con người Việt Nam làm được những điều này. Những doanh nghiệp, tập đoàn lớn hiện nay đều đi lên từ tay trắng, bây giờ đã có cơ đồ, đã có tiềm lực rồi thì không có lý do gì không đạt được những tầm cao hơn, lớn hơn.
Nhìn vào sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy khá rõ nét ba thời kỳ, ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu là hình thành, tạo lập một cộng đồng các doanh nghiệp của nền kinh tế thị trường. So với khoảng 5.000 doanh nghiệp vào năm 1990, giờ chúng ta đã có một đội ngũ gần một triệu doanh nghiệp. Việt Nam không chỉ là chuyển đổi sang kinh tế thị trường, thoát nghèo mà đã gia nhập nhóm các quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp.
Giai đoạn hai là hội nhập quốc tế, có thể tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Từ đây, chúng ta đã có sự phân chia, phân nhóm doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp theo một số chuyên ngành. Trong bức tranh doanh nghiệp Việt Nam, đã có những doanh nghiệp đầu ngành, có những doanh nghiệp quy mô lớn và cũng có những doanh nghiệp nhỏ thôi nhưng mà đổi mới sáng tạo và đây là một xu thế phát triển.
Hiện tại, chúng ta đang hướng đến các mục tiêu phát triển của năm 2030 và 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Có một thực tế, gần như là quy luật trong sự phát triển trên thế giới, đó là những nền kinh tế lớn và những nền kinh tế phát triển thì đều phải có một đội ngũ doanh nghiệp xứng tầm. Đội ngũ đó gồm những doanh nghiệp đầu đàn, những doanh nghiệp lớn đứng đầu chuỗi giá trị, làm chủ những công nghệ lõi. Đồng thời, đội ngũ đó cũng phải có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp phụ trợ rất đông đảo.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã đạt tầm cỡ khu vực và thế giới rồi.Chỉ cần có môi trường đúng, chính sách đúng và triển khai xây dựng chính sách một cách phù hợp, kịp thời thì chúng ta có sản phẩm, kết quả nhận được sẽ là những tập đoàn, những doanh nghiệp rất hùng mạnh.
Theo ông, Việt Nam đã có môi trường để có nhiều doanh nghiệp lớn, hùng mạnh chưa?
Chúng ta có thể nhìn vào thể chế, chính sách, thực hiện chính sách và cơ hội phát triển.
Cơ hội chúng ta nhìn thấy, gió Đông đã đến rồi.
Bối cảnh thế giới hiện có nhiều khó khăn, biến động bất thường, nhưng chính vì vậy cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tranh thủ được, tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch Covid-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, khi dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.
Thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh đang được hoàn thiện và chắc chắn sẽ có những bước thay đổi lớn, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41-NQ/TW mà Bộ Chính trị vừa ban hành về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 41 có nhiều yêu cầu rà soát hệ thống thể chế, chính sách, thể chế hóa nghị quyết của Đảng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Cùng với Nghị quyết Đại hội XII, các nội dung, giải pháp trong Nghị quyết 41 sẽ tạo điểm tựa vững chắc để giới doanh nhân Việt Nam vươn mình phát triển, xây dựng và phát triển thành những doanh nghiệp dân tộc, những doanh nghiệp của giai đoạn thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển...
Trong số các yếu tố thúc đẩy sự lớn lên của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông nghĩ thế nào về niềm tin? Thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã phải nói đến tâm lý doanh nghiệp không muốn lớn?
Việc Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết 41 vào đúng thời điểm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam đã là một việc mang tính biểu tượng về sự tin tưởng và quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Hơn thế nữa, nội dung Nghị quyết khẳng định quan điểm và mục tiêu của Đảng, Nhà nước về việc phát triển của doanh nhân và đặt ra yêu cầu đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải phát triển và phát triển mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước.
Trong nhiều nội dung, có một điểm được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hào hứng nhắc đến, đó là giải pháp bổ sung chế tài kinh tế phù hợp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Trong Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam mà VCCI tổ chức ngày 11/10, doanh nghiệp bàn thảo nhiều về nội dung này, mong thể chế hóa giải pháp này.
Trong kinh doanh, có thể có những vi phạm, nhưng nếu hình sự hóa, có thể phá sập một doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhỏ hay lớn, hàng ngàn người mất việc; có những ngành nghề, lĩnh vực sẽ ảnh hưởng dây chuyền.
Tất nhiên, doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tuân thủ pháp luật, văn hóa kinh doanh, nhưng tôi cho rằng Nghị quyết 41 ra đời lúc này chính là một nhân tố quan trọng để nâng cao niềm tin của giới doanh nhân, doanh nghiệp về đường lối phát triển đất nước, đường lối phát triển kinh tế, từ đó rõ nét hơn đường lối phát triển của mỗi doanh nhân.
Khi triển khai Nghị quyết, nghị quyết đi vào cuộc sống thì niềm tin đó sẽ ngày càng lớn lên và với niềm tin lớn lên thì chúng ta cũng sẽ có những doanh nghiệp lớn, những doanh nhân lớn tiếp tục xuất hiện. Điều này không có gì nghi ngờ.