Xu hướng tất yếu
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT FinPeace, xu hướng phát triển bền vững là tất yếu và diễn ra tại tất cả các ngành nghề. Theo sự phát triển thì con người ngày càng ưu tiên đến sức khoẻ và môi trường (những yếu tố mà trước đây, hay thậm chí là hiện tại các quốc gia kém phát triển đang phải đánh đổi để đạt các mục tiêu về kinh tế).
"Tôi đánh giá cao tầm quan trọng và tính tất yếu của việc tuân thủ ESG (môi trường - xã hội - quản trị), nhưng xu hướng này sẽ không diễn ra cùng lúc tại tất cả các ngành nghề, mà có độ trễ khác nhau phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế của từng quốc gia và nhu cầu sản phẩm của từng ngành. Xu hướng về ESG sẽ đến trước tại các quốc gia đã phát triển, bằng chứng là họ ngày càng giảm và chuyển dịch dần các ngành nghề ô nhiễm môi trường cao sang các quốc gia đang phát triển", ông Tuấn Anh đánh giá.
Nếu rõ nét và gần gũi nhất, theo ông Tuấn Anh, thì có lẽ là ở ngành dệt may. Trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã bị Bangladesh chiếm vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới do chúng ta thiếu yếu tố ESG.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang châu Âu tăng trưởng 45,2%, trong khi từ cuối quý III/2023, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sang thị trường này giảm 15%, đơn giá giảm 20-30%, thậm chí 40-50%. Ngoài ra, hàng may mặc của Bangladesh cũng có giá trị gia tăng cao hơn trước nhờ việc “xanh hoá”. 9/10 nhà máy "xanh" của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh.
Trên thị trường chứng khoán hiện tại cũng có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp đề cao vấn đề ESG và phần còn lại. Chẳng hạn, thị trường đang trả giá cao hơn cho các cổ phiếu của doanh nghiệp áp dụng ESG, ví dụ như STK của Sợi Thế Kỷ có hệ số P/E hiện tại là 14,9, gấp đôi trung bình ngành dệt may là PE 8 lần. Cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai với các dự án điện mặt trời, điện gió cũng được trả mức P/E 19,1, cao hơn trung bình ngành điện lực là 11,7.
Vẫn còn khoảng cách giữa cam kết và thực thi
Theo ông Tuấn Anh, việc xoay trục chiến lược để thích nghi và nắm bắt các cơ hội mới để phù hợp với bối cảnh thị trường đã tồn tại từ ngay khi doanh nghiệp được thành lập, chứ không phải vấn đề bây giờ mới hiện hữu. Thực tiễn, vòng đời phát triển của ngành nghề và của doanh nghiệp luôn trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lại đặt ra một bối cảnh cạnh tranh mới, đòi hỏi nguồn lực cạnh tranh mới của các doanh nghiệp trong ngành.
"Không có chiến lược nào là mãi mãi, không có lợi thế cạnh tranh nào là vô tận, vì bối cảnh của ngành và thị trường luôn thay đổi. Nếu một doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành thì chỉ nói lên được họ đang có nguồn lực phù hợp nhất với bối cảnh hiện tại của ngành, chứ không thể khẳng định khi ngành sang giai đoạn mới thì doanh nghiệp này còn giữ nguyên vị thế. Chính vì thế, việc nắm bắt cơ hội mới, thử nghiệm các ý tưởng mới và xoay trục chiến lược là tất yếu để thích nghi", ông Tuấn Anh đánh giá và lấy trường hợp của Tập đoàn Lộc Trời (LTG) làm ví dụ.
Theo đó, giai đoạn trước năm 2010, ngành nông nghiệp Việt Nam tăng về “lượng” (thâm dụng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…), với vị thế doanh nghiệp dẫn đầu thị phần mảng thuốc bảo vệ thực vật, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời giai đoạn 2008 - 2011 trung bình 28%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2011, ngành nông nghiệp chính thức bước sang giai đoạn mới, đòi hỏi tăng về “chất” (cơ giới hoá, sản xuất hữu cơ…), khiến nhu cầu tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật cũng bão hoà và giảm dần. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời đi ngang và không có sự tăng trưởng nào trong 10 năm qua, vẫn giữ mức 400 tỷ đồng/năm.
Không có chiến lược nào là mãi mãi, không có lợi thế cạnh tranh nào là vô tận, vì bối cảnh của ngành và thị trường luôn thay đổi. Chính vì thế, việc nắm bắt cơ hội mới, thử nghiệm các ý tưởng mới và xoay trục chiến lược là tất yếu để các doanh nghiệp thích nghi.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT FinPeace
Từ năm 2013, Lộc Trời đã nhận thấy giai đoạn của ngành thay đổi và xoay trục chiến lược sang đi sâu vào sản xuất lúa gạo theo chuỗi dọc, thậm chí điều này đã khiến một số cổ đông lớn như Quỹ VinaCapital thoái vốn. Lộc Trời đã thử nghiệm rất nhiều giải pháp như bao tiêu, mở rộng diện tích canh tác lên hơn 90.000 ha, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nhưng đến hiện tại đã 10 năm vẫn chưa có kết quả.
"Dù có thành công hay không, nhưng đây là một ví dụ khá rõ nét về việc doanh nghiệp xoay trục chiến lược để thích nghi với bối cảnh mới", ông Tuấn Anh cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, doanh nghiệp niêm yết nên chủ động tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động, tận dụng các cấu trúc có sẵn và nguồn lực dồi dào của tổ chức. Hiện nay, các tiêu chuẩn về ESG đang dần trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định cho vay, đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, nên nhu cầu về vốn để doanh nghiệp chuyển cơ cấu sao cho bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội là nhu cầu bức thiết trong thời gian tới. Nếu doanh nghiệp xem ESG là cơ hội thúc đẩy kinh doanh thay vì nghĩa vụ, trách nhiệm thì sẽ chủ động thực hiện.
Thực tế, các doanh nghiệp niêm yết cũng ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của yếu tố ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng giữa nhận thức và hành động đang còn một khoảng cách khá lớn. Báo cáo về mức độ cam kết thực hiện các mục tiêu ESG và thực hành báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam do PwC công bố mới đây cho thấy điều đó.
Theo đó, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% số doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2 - 4 năm tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về khó khăn khi áp dụng ESG, tổng giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm đang niêm yết trên sàn HOSE thừa nhận, mặc dù nhìn nhận rõ ràng các yêu cầu về ESG có tác động kinh tế rõ ràng, nhưng quá trình chuyển đổi tại doanh nghiệp đang diễn ra khá chậm do doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các tiêu chuẩn báo cáo và sự phức tạp về quy định.
Vị này cho biết, mặc dù công ty cũng đã cố gắng thay đổi cách vận hành, quản trị hướng tới các tiêu chí chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng như nhựa, thủy tinh, bao bì nhựa, bao bì nilông… tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ, nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí cần phải bổ sung và khắc phục, như áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hay tăng cường các thông tin/báo cáo bằng tiếng Anh.
Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn này, theo ông Nghĩa, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý nên xây dựng các chính sách rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG, cùng với hướng dẫn chi tiết về các phương thức báo cáo phát triển bền vững.