Ngân hàng có vốn Nhà nước cần tăng vốn
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 và chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…
Mới đây, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc VietinBank tăng vốn điều lệ thêm gần 5.643 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức tiền mặt năm 2020.
Trước đó, HĐQT VietinBank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020, dự kiến sẽ đưa vốn điều lệ lên 55.700 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu vào quý III và quý IV/2023, tương đương với 11,7415% số cổ phần lưu hành.
Kế hoạch này đã được Vietinbank đề cập đến trong ĐHCĐ thường niên năm 2022 nhưng chưa được thực hiện. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, VietinBank tiếp tục thông qua hai phương án tăng vốn điều lệ, lên mức 60.387 tỷ đồng hoặc 66.030 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc có hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 hay không.
Ngoài số 564,3 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. Cụ thể, VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
VietinBank cũng đã được NHNN chỉ đạo hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Đầu tháng 10, VietinBank cũng đã chốt kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2023 là 22.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước (20.352 tỷ đồng), là một trong những ngân hàng công bố kế hoạch lợi nhuận năm muộn nhất trong ngành.
Bên cạnh đó, HĐQT BIDV vừa thông qua phương án phát hành phát hành tối đa gần 641,93 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2023. Sau phát hành, Ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004,5 tỷ đồng.
Với Vietcombank (VCB), HOSE cũng đã thay đổi số lượng chứng khoán niêm yết khi nâng tổng số cổ phiếu VCB giao dịch trên thị trường lên mức gần 5,6 tỷ cổ phiếu kể từ ngày 30/8, sau khi ngân hàng này phát hành gần 857 triệu cổ phiếu mới ra thị trường để trả cổ tức. Sau khi hoàn thành đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank đạt hơn 55.890 tỷ đồng.
Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về một số nội dung tăng vốn điều lệ của Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước số tiền 17.100 tỷ đồng (trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng, năm 2024 là 10.347 tỷ đồng).
NHNN cho biết, hiện đã thay mặt Chính phủ ký văn bản số 288/CP-KTTH ngày 09/6/2023 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí đối với nội dung dự kiến đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Đối với 3 NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (VCB, VietinBank, BIDV), NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 và chỉ đạo VCB, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực tài chính của các NHTM nhà nước, trên cơ sở đề xuất của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 31/3/2023 phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc VCB phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019, từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VietinBank từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2020. Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ hàng năm, các ngân hàng cũng đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ (VCB, BIDV).
Khối tư nhân cũng chạy đua tăng vốn
Đối với các NHTM cổ phần, NHNN cũng cho biết, đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Các ngân hàng được chấp thuận bao gồm: MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LPBank, BacA Bank, VietA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, Kienlongbank, Nam A Bank, NCB, VPBank.
Mới đây, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch trả cổ tức cho nhà đầu tư, phần lớn trả bằng cổ phiếu, với ước tính có khoảng hơn 1,5 tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ được phát hành trong nửa cuối năm 2023.
Eximbank phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ lên 17.569 tỷ đồng. OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để trả cổ tức với tỷ lệ 50%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
VPBank vừa chào bán xong toàn bộ 30 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên, giúp tăng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên 6,743 tỷ cổ phiếu, ước thu về hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến trong quý III/2023, VPBank sẽ chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
SeABank dự kiến phát hành 42 triệu cổ phiếu ESOP năm nay. Đối tượng được mua là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, cán bộ nhân viên của SeABank và các công ty con của SeABank thỏa mãn các tiêu chí, điều kiện tại quy định. Giá phát hành là 12.000 đồng/CP.
SHB cũng vừa công bố nghị quyết của HĐQT về phương án phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, với mức giá chào bán 10.000 đồng/CP, ước thu về 451 tỷ đồng, giúp tăng vốn điều lệ lên gần 37.000 tỷ đồng. Trước đó, SHB đã hoàn tất việc phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%.
Ngoài ra, HĐQT HDBank đã có nghị quyết thông qua việc phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động; Techcombank cũng vừa công bố thông tin về việc chuẩn bị phát hành gần 5,3 triệu cổ phần theo chương trình ESOP năm 2023 để tăng vốn điều lệ lên thêm 52,7 tỷ đồng.
... nhưng bộ đệm vốn vẫn "mỏng"
Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính –ngân hàng, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023.
Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, thì các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các nhà băng.
Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các TCTD. Thống kê từ NHNN, tính đến tháng 5/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các TCTD đạt 888.864 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2022.
Trong đó, nhóm NHTM nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 190.433 tỷ đồng, tương đương với cuối năm 2022. Nhóm NHTM cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 472.211 tỷ đồng, tăng 0,60% so với thời điểm cuối năm 2022. Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài, có tổng vốn điều lệ đạt 154.508 tỷ đồng, tăng 5,53% so với cuối năm 2022.
Tính đến tháng 5/2023, hệ số CAR của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,70% (giảm nhẹ so với mức 11,68% vào thời điểm cuối năm 2022). Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn Nhóm NHTM nhà nước đạt 9,53% (tăng 0,37% so với cuối năm 2022); nhóm NHTM cổ phần đạt 11,90% (giảm 0,11%); nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 21,21% (tăng 2,05%).
Với hệ số CAR của nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức thấp, dù các NHTM đã tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Hệ số CAR trung bình của ngành Ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).
Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, một số ngân hàng hoàn thành Basel III như LPBank, VPBank, ACB, TPBank... và tất cả đều từ khối ngân hàng cổ phần, chưa có NHTM Nhà nước. Do đó, theo các nhà phân tích tài chính, việc tăng vốn điều lệ của các TCTD thời gian tới là cần thiết giúp các tổ chức này phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, Quốc Hội, Chính phủ tiếp tục cho các NHTM nhà nước giữ lại lợi nhuận Nhà nước hàng năm để tăng vốn, tạo điều kiện các TCTD dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các TCTD, cũng như tiết giảm chi phí, có điều kiện triển khai gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.