Ngày 14-10, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ trao giải chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm, lựa chọn, trao giải, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đang khai thác lợi thế, nâng cao giá trị tài nguyên bản địa.
Phụ nữ khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội
Tại lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
“Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, gần 48% lực lượng lao động của đất nước ta - được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện”, Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Bộ Chính trị có nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, nhiệm vụ chính là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội.
Từ đó, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân tại các vùng khó.
“Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp là diễn đàn lớn, sâu rộng, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam trong hành trình khởi nghiệp.
Tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia các mô hình kinh tế đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”, Thủ tướng nêu.
Nhiều tấm gương phụ nữ nghị lực phi thường
Đánh giá cao chủ đề Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa, người đứng đầu Chính phủ cho biết qua cuộc thi, các văn hóa truyền thống được bảo tồn, song song với gia tăng giá trị, tạo nhiều việc làm mới.
Thủ tướng cũng bày tỏ các đề án khởi nghiệp xuất phát từ trăn trở, tâm huyết của chị em phụ nữ trong khôi phục nghề truyền thống, phát huy tài nguyên du lịch quê hương, tạo ra các sản phẩm hàng hóa giá trị kinh tế cao.
Đơn cử dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển sữa gạo lứt hữu cơ của chị Hoàng Thị Thùy Linh ở Vĩnh Phúc đoạt giải đặc biệt.
Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ vùng miền núi, dân tộc thiểu số, người khuyết tật với ý chí, nghị lực phi thường ghi lại dấu ấn đặc biệt.
Có thể kể đến như dự án Sản xuất và kinh doanh hoa sáp của người phụ nữ khuyết tật Bùi Thị Yến Nhi, tỉnh Hậu Giang hay dự án Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, chí chọp” của chị Lò Chúc Chi, dân tộc Thái, tỉnh Điện Biên.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ vốn, tư vấn pháp lý, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, trong đó lưu ý hệ sinh thái riêng cho phụ nữ khởi nghiệp.
Hình thành, phát huy hiệu quả mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư… Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tăng cường huy động nguồn lực xã hội, hợp tác quốc tế cho khởi nghiệp, sáng tạo.
Bên cạnh giải đặc biệt trị giá 120 triệu đồng, ban tổ chức còn trao 3 giải nhất (60 triệu đồng/giải), 4 giải nhì (35 triệu đồng/giải), 6 giải ba (25 triệu đồng/giải) và nhiều giải khuyến khích khác.
Từ bỏ công việc kế toán trưởng một công ty lớn cho thu nhập ổn định, anh Trương Thanh Hiên (37 tuổi, TP Đà Nẵng) quyết định khởi nghiệp dù biết đầy chông gai nhưng trong thâm tâm mang khát khao đổi vận cho đặc sản chả quê nhà.