vĐồng tin tức tài chính 365

Cột mốc mới của Viettel tại Peru

2023-10-15 10:59

Từ khoảng giữa năm 2022 đến nay, những người dân tại một số địa phương của đất nước Peru chứng kiến sự khác lạ của Bitel – một nhà mạng đến từ Việt Nam. Họ thể hiện những bước đi rất quyết liệt và đạt được những kết quả khả quan trong vai trò là một công ty ICT. Đó là những Smart City được hiện thực tại Moche và Cusco, các dịch vụ mới mẻ như TV360, xổ số điện tử đang nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn người dùng.

Ông Phạm Anh Đức – Tổng giám đốc (CEO) Bitel đã chia sẻ câu chuyện mới của Bitel nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập.

Trong lĩnh vực Smart City với dự án đầu tiên tại Moche, Bitel đã giúp quận giảm 84% tỷ lệ tội phạm hàng tháng và 66% số vụ tai nạn giao thông so với năm 2022. Smart City tại đây hoạt động như thế nào để đưa đến những kết quả ấn tượng như vậy, thưa ông?

Smart City do Bitel triển khai cho Moche có một số điểm nổi bật.

Thứ nhất là các camera giao thông đặt tại các ngã tư, nơi có lưu lượng giao thông lớn nhất của Moche nhằm chỉ ra các xe vi phạm giao thông.

Thứ hai là camera an ninh có thể nhận diện khuôn mặt ở ngay quảng trường của Moche, giúp cho người dân và cơ quan quản lý xem, nhận diện được các đối tượng từng có hành vi xấu để cảnh giác hơn. Nhờ đó, giảm các hành vi không tốt ở quảng trường đông dân.

Thứ ba, chúng tôi triển khai citizens app. Trên app này, khi người dân nhìn thấy các vấn đề như đổ rác ra đường, xây dựng trái phép, hành vi gây mất an ninh, an toàn, họ sẽ báo lên app. Từ đó, chính quyền tại địa phương sẽ tiếp nhận và xử lý.

Tóm lại, citizen app giúp cho chính quyền và người dân tương tác và gần nhau hơn. Chính quyền nhận thông tin và xử lý các vấn đề nhanh hơn.

Tôi cho rằng, điều mang tính chất quyết định thành công của smart city không chỉ nằm ở kỹ thuật, mà là sự bám sát và làm chủ của chính quyền. Theo kinh nghiệm từ Việt Nam, ngay bước triển khai ban đầu, chúng tôi đã làm việc và giới thiệu các lợi ích, thậm chí là đưa ra bản “nháp” vận hành của bộ máy smart city cho người đứng đầu chính quyền để nhận được sự đồng tình và phê duyệt của họ.

Sau khi hoàn thành, chúng tôi vẫn tiếp tục song hành, hỗ trợ người dân, hỗ trợ chính quyền trong việc sử dụng các cái công cụ. Bởi vậy, bây giờ người dân cũng như chính quyền của Moche rất quen thuộc với citizen app và coi nó như là một phần trong cuộc sống của họ.

Triển khai dự án Smart City thứ 2 tại Cusco, các anh gặp khó khăn gì so với dự án đầu tiên?

Khó khăn ở đây là Cusco lớn hơn Moche. Đó là một thủ phủ về văn hóa, lịch sử của Peru nên các quá trình triển khai vật lý cũng cần chỉn chu hơn rất nhiều so với Moche.

Các dự án Smart City đã đem lại hiệu quả kinh tế cho Bitel chưa?

Hiệu quả kinh tế trực tiếp thì chưa, nhưng hiệu quả gián tiếp thì rất lớn. Nhờ triển khai các dự án Smart City, chúng tôi được chính quyền tạo điều kiện và hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển hạ tầng mạng lưới.

Ví dụ, Bitel được cắm thêm các trạm phát sóng mới sử dụng đất công của quận, mà bình thường sẽ phải trả tiền thuê, hoặc thậm chí phải xin giấy phép rất lâu mới có thể dựng được. Việc truyền thông cho Smart City tại các bốt bưu điện hay trạm xe bus công cộng cũng được miễn phí.

Nhưng giá trị lớn nhất chúng tôi nhận được không nằm ở hiệu quả kinh tế. Từ trước đến nay, Tập đoàn Viettel vẫn luôn làm những việc nhằm giúp cho người dân, cho chính quyền phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc khi mình làm tốt sẽ được cảm ơn như thế nào.

Mục tiêu và kế hoạch phát triển lĩnh vực Smart City của Bitel trong thời gian tới ra sao?

Hiện tại, có bốn quận và tỉnh đã đăng ký, dự kiến triển khai Smart City với Bitel. Chúng tôi đang phối hợp để làm các thứ nghiệm liên quan đến giáo dục và y tế thông minh. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ làm với Lima trong năm nay hoặc quý đầu năm sau. Đây là thủ phủ lớn nhất ở Peru, chiếm 30% dân số.

Giữa tháng 8 vừa qua, Bitel ra mắt dịch vụ TV360 tại Peru và hết tháng 9, đã có 100.000 thuê bao sử dụng. Con số này nói lên diều gì?

Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất từ trước đến nay, và nhanh nhất trong các dịch vụ mà chúng tôi đã cung cấp.

Trước hết, chúng tôi dựa trên thế mạnh là nền tảng khách hàng hiện hữu mà Bitel đang có. Thứ hai, dựa trên văn hóa Viettel là “cho trước khi nhận lại”. Tức là ban đầu chúng tôi cho khách hàng sử dụng miễn phí, hướng đến đối tượng người dân trên toàn đất nước để phổ cập dịch vụ TV, giúp họ giải trí qua các bộ phim mà chúng tôi đã mua được giấy phép. Thậm chí khách hàng sử dụng thuê bao di động và cố định băng rộng của đối thủ cũng có thể sử dụng được dịch vụ này.

Hồi tháng 4, Bitel chính thức ra mắt dịch vụ xổ số điện tử Tusami với mục tiêu cuối năm 2023 sẽ chiếm 10% thị trường. Mục tiêu này có tham vọng quá hay không?

Đúng là rất tham vọng. Ban đầu, chúng tôi đặt mục tiêu 10% thị phần tính trên doanh thu. Đến hiện tại, tôi đánh giá là khá thách thức nhưng chúng tôi vẫn hướng đến mục tiêu ít nhất là 10% số người có hành vi chơi xổ số.

Khi nói về thành tựu của lĩnh vực viễn thông trong những năm hoạt động tại Peru, bài phỏng vấn năm trước ông có nói rằng “Chúng tôi tin rằng những thứ cho đi đều sẽ được nhận lại theo một cách nào đó”. Với định hướng chiến lược chuyển đổi Bitel thành một công ty ICT, công ty sẽ thực hiện chiến lược cho đi ra sao?

Smart City, xổ số hay ví điện tử đều là những dịch vụ mà chúng tôi đang cho đi. Như tôi vừa nói ở trên, chúng tôi cung cấp dịch vụ ban đầu miễn phí với mục tiêu phổ cập khách hàng. Nếu lúc nào mình cũng chỉ nghĩ đến nhu cầu thu tiền thì trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, sẽ hạn chế rất nhiều người tiếp cận.

Dịch vụ ví điện tử chẳng hạn, trên thị trường Peru, tất cả các công ty ví đều thu phí khi khách hàng thanh toán, chuyển tiền. Còn chúng tôi thì miễn phí. Điều đó cũng được Ngân hàng nhà nước Peru rất hứng thú vì họ muốn phổ cập dịch vụ thanh toán qua ví điện tử cho người dân. Mình đưa ra một chiến lược song hành với chiến lược quốc gia thì sẽ có điều kiện để thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn.

Năng lực cung cấp giải pháp ICT của Bitel so với các đối thủ trên thị trường Peru lúc này? Để vươn tới vị trí doanh nghiệp ICT số 1, Bitel đang có những thuận lợi và thách thức gì?

Tôi là dân công nghệ nên về mặt công nghệ, tôi thấy Bitel không có gì phải sợ.

Lợi thế của chúng tôi là có Tập đoàn Viettel và rất nhiều Tổng công ty về an ninh mạng, Internet, giải pháp công nghệ… của Viettel, cũng như các đối tác lâu năm của Viettel cùng song hành. Đó đều là những công ty có trình độ công nghệ rất tốt.

Chỉ là, vì Bitel mới bước vào thị trường công nghệ và mới tuyên bố là một công ty công nghệ nên sẽ cần phải quyết liệt hơn, gần gũi và chia sẻ với khách hàng nhiều hơn. Sản phẩm công nghệ là những sản phẩm không cầm nắm được, nó không giống những sản phẩm mà khách hàng có thể nhìn thấy, hiểu ngay. Bitel cần phải đào tạo thị trường.

Sau 9 năm hoạt động tại Peru, Bitel đã luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thị trường toàn những nhà mạng hàng đầu thế giới. Theo ông, điều gì đã giúp Bitel vượt qua nhiều thách thức lớn để làm được điều đó?

Trước hết, thành quả đến từ nỗ lực của bản thân Bitel. Nó thể hiện ở chiến lược của lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo công ty qua các thời kỳ. Bitel kiên định với việc xây dựng một mạng lưới rộng khắp đất nước Peru, đó là yếu tố tiên quyết vì trong kinh doanh thì chất lượng dịch vụ vẫn yếu tố cốt lõi để có thể thành công mà hạ tầng là thứ tạo nên lợi thế chất lượng đó.

Sau đó, Bitel có thể gọi là một “kẻ thách thức”, vì có ít thuê bao hơn, mình thách thức các đối thủ khác bằng các sản phẩm có chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Bitel bùng nổ nhờ dùng các chương trình mua máy kèm gói cước để thu hút khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở vùng sâu vùng xa, giúp tăng thuê bao rất nhanh. Đó là những yếu tố mang tính quyết định.

Ngoài ra, thế mạnh của người Viettel duy trì ở bất kỳ đâu, đó là sự quyết liệt, điều hành đến từng người bán hàng door to door. Đối thủ chưa bao giờ làm như vậy, và đó là điều giúp cho Bitel phát triển nhanh, tiếp cận gần khách hàng nhất.

Trong một năm qua, đâu là dấu mốc của Bitel khiến ông nhớ nhất?

Đến hiện tại, chúng tôi đã vượt qua được mức đỉnh thuê bao của năm 2021 và thiết lập một đỉnh mới với hơn 5 triệu thuê bao digital. Mốc thứ 2 là bắt đầu kinh doanh dịch vụ băng rộng cố định FTTH, bước ra khỏi vùng an toàn xưa nay. Thứ 3 là các dịch vụ chuyển đổi số như tôi vừa chia sẻ. Và thứ tư là Bitel có được 3 tần số để giải quyết vấn đề thiếu tần số của mảng di động lâu nay.

Ngoài ra, Bitel đã làm rất nhiều cải cách như chuyên nghiệp hóa kênh bán, nâng cao chất lượng mạng lưới, phát triển mảng khách hàng doanh nghiệp để đạt mức tăng trưởng 30-40% so với năm trước. Mục tiêu năm nay là tăng 100% doanh số và đến nay thì cũng được 50% kế hoạch rồi. Khi số lượng thuê bao chinh phục đỉnh mới, ông đã nghĩ gì?

Kết quả đạt đỉnh mới thì anh em đều vui mừng, nhưng tôi đánh giá, kết quả đó đạt được là nhờ sự tích lũy của các giải pháp thực hiện từ những năm trước. Việc kinh doanh năm nay tốt hơn cũng không hẳn là có giải pháp đột phá nào mà là sự tích lũy lâu dài, được triển khai toàn diện trên mọi mặt. Các anh em xác định làm bền vững, mang tính dài hạn hơn.

Ngoài ra, tôi gọi việc làm FTTH là bước ra khỏi vùng an toàn, đơn giản vì đó là một cái mới. Kinh doanh FTTH có nhiều thách thức hơn kinh doanh di động. Với dịch vụ này, vì mới kinh doanh 3 tháng, chúng tôi chưa vượt qua đối thủ nhưng đã vượt qua chính mình.

Xem thêm: lmth.218133tsop-urep-iat-letteiv-auc-iom-com-toc/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Cột mốc mới của Viettel tại Peru”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools