TP.HCM kiến nghị thành lập khu công nghiệp y - dược 330ha đặt tại Bình Chánh
Ngày 16-10, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc kiến nghị đưa khu công nghiệp y - dược tại TP vào danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư.
Theo dự thảo của Sở Y tế về "Đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", TP có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp dược là trung tâm có nguồn nhân lực lớn nhất cả nước với nhiều trường đại học.
Là nơi tập trung các bệnh viện có quy mô lớn, nhiều chuyên khoa đầu ngành, tuyến điều trị cuối của nhiều địa phương khác nên nhu cầu về thuốc phòng, chữa bệnh rất lớn, đặc biệt là thuốc chuyên khoa đặc trị, các thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch, ung bướu...
Hơn nữa, trang thiết bị y tế lưu hành trên thị trường trong nước hiện nay dựa vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu (90%). Sở Y tế cho hay khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ đặt tại Lê Minh Xuân 2 (diện tích 338ha), xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Khi thành lập khu có chức năng là trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về y dược. Đồng thời, tập trung các phân khúc kỹ thuật cao: công nghệ sinh học, các thuốc chuyên khoa đặc trị, sản phẩm thuốc công nghệ cao (thuốc điều trị ung thư, các chế phẩm huyết tương…), các sản phẩm y sinh, sản phẩm phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe.
Tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 122 tỉ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tháng 9-2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 6,25 tỉ USD, tăng 8,1% so với tháng trước và tăng gần 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rau quả tiếp tục là một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 491,2 triệu USD, tăng 84,5% so với tháng trước và tới 441% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung hết tháng 9-2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42,86 tỉ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết tháng 9 có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Dẫn đầu là điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,9 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 10 tỉ USD; rau quả đạt 2,75 tỉ USD.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt 79,2 tỉ USD, giảm 12,38 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
2 nhóm hàng có kim ngạch từ 10 tỉ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,6 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,2 tỉ USD.
Ngoài ra, còn 12 nhóm hàng khác đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên như vải; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…
Như vậy, hết tháng 9-2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 122,06 tỉ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu 36,34 tỉ USD. Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính hết tháng 9.
Việt Nam nhập hơn 94.000 ô tô trong 9 tháng năm 2023, giảm nhiều so với 2022
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố tháng 9-2023, trong tháng cả nước nhập khẩu 7.430 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 173,68 triệu USD, tăng 7,2% về lượng và 6,8% về kim ngạch so với tháng trước.
Dù có chiều hướng nhích lên, nhưng lượng ô tô nhập khẩu những tháng gần đây vẫn ở mức thấp dưới 10.000 xe/tháng, trong khi bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 12.000 xe/tháng.
Tính chung đến hết tháng 9-2023 cả nước đã nhập khẩu 94.177 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt 2,2 tỉ USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 15,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Thái Lan tiếp tục duy trì là nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam với 42.366 xe, kim ngạch 882,74 triệu USD. Tiếp theo là Indonesia với 34.933 xe, kim ngạch 482,8 triệu USD và Trung Quốc với 7.712 xe, kim ngạch 297 triệu USD.
Với 85.011 xe, riêng 3 thị trường lớn nhất ở châu Á chiếm tới 90,3% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.
- Tham khảo thêm
Đề nghị xử nghiêm "bến cóc xe dù" ở cây xăng tại Thủ Đức
Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản đề nghị TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đón trả khách sai quy định tại các cây xăng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng được yêu cầu chỉ đạo các cửa hàng không để xảy ra tình trạng nhà xe lợi dụng việc đổ nhiên liệu để đón trả khách sai quy định. Không được tổ chức cho xe khách vào đón, trả khách tại các cây xăng để đảm bảo an toàn cho hành khách, nhất là khu vực dọc quốc lộ 13 (TP Thủ Đức).
TP.HCM thúc giải ngân vốn đầu tư công
Với các dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022, chủ tịch UBND TP.HCM vừa chỉ đạo vận động nhân dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, không để phát sinh khiếu nại và các vấn đề về lãi suất. Thực hiện dứt điểm chậm nhất là ngày 30-10.
Với các dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023, khẩn trương tính giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng trường hợp bị ảnh hưởng. Đồng thời, triển khai ngay công tác chi trả để giải ngân vốn bồi thường.
Các dự án đến nay chưa được duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, UBND quận huyện, TP Thủ Đức có phải khẩn trương, chủ động phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền. Việc này hoàn tất chậm nhất là ngày 30-10.
Israel tấn công sân bay Aleppo của Syria; Iran cảnh báo hậu quả nếu Israel không dừng lại; Ông Biden điện đàm với lãnh đạo Israel và Palestine; Nga pháo kích dữ dội thành phố Avdiivka của Ukraine... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 15-10.