Thông tin được nêu từ hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều 18-10.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn Hà Nội vì sự chia sẻ, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho TP.HCM, nhất là thời điểm đại dịch COVID-19.
Ông Nên cho rằng TP.HCM và Hà Nội có bổn phận và nỗi lo giống nhau, do đó trước bối cảnh thời cơ thuận lợi, khó khăn, tác động chung đặt ra những thách thức thì việc kết nối, hợp tác, hỗ trợ nhau lúc này rất quan trọng, cần thiết.
“Mục đích của cuộc gặp mặt là trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, tổ chức thực thi, chia sẻ những mặt làm được và chưa được, học hỏi lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ lâu bền. Hai bên thường vụ sẽ ký kết bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023 - 2025”, ông Nên nói.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM gợi ý một số nội dung để hội nghị quan tâm trong quá trình trao đổi. Cụ thể là kinh nghiệm xây dựng chính quyền đô thị, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách liên quan đến tài chính, quy hoạch quản lý đô thị...
Về phía HĐND, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận HĐND TP Hà Nội có nhiều chương trình, công việc rất hay, như quy định diện tích nhà ở tối thiểu để công dân được đăng ký thường trú, định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô…
Do đó, TP.HCM mong được chia sẻ kinh nghiệm trong việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch TP cũng như quản lý kiến trúc, trong đó việc bảo tồn kiến trúc cổ thuộc loại nhà cá nhân. Đặc biệt TP.HCM và Hà Nội đều triển khai thực hiện chính quyền đô thị, TP.HCM mong muốn nghe kinh nghiệm trong việc triển khai của Hà Nội.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nêu tình trạng chung giữa TP.HCM và Hà Nội là sự tồn tại của những quận, huyện, xã, phường đông dân. Ông Hải kiến nghị được trao đổi kinh nghiệm trong việc giảm tải việc với các địa phương này cũng như kinh nghiệm sắp xếp các tổ chức đảng trực thuộc; hay các chính sách thu hút nhân lực trình độ cao vào môi trường công.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng gửi lời chúc mừng những thành tựu về kinh tế xã hội của TP.HCM với sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua thách thức từ đại dịch COVID-19 lẫn tình hình biến động trên thế giới… Những kết quả đạt được rất quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung, làm tròn nghĩa vụ với cả nước.
Ông Dũng cho rằng tình cảm giữa Hà Nội và TP.HCM là sự gắn kết máu thịt, tình nghĩa suốt chiều dài lịch sử, đồng lòng cùng gánh vác những trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và TP.HCM đã có những triển vọng tốt qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện để phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau.
“Với sự quyết tâm của ban thường vụ hai thành phố, thời gian tới, quan hệ hợp tác, phát triển giữa chúng ta sẽ đạt bước tiến mới, toàn diện và ngày càng hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hai địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ của hai thành ủy”, ông Dũng nói.
Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ký kết bản ghi nhớ kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 và phương hướng những năm tiếp theo. Các nội dung trọng tâm được ký kết như công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách; lĩnh vực kinh tế, thương mại và xúc tiến, thu hút đầu tư; phát triển đô thị, bảo vệ môi trường...
Nên chăng cần quy định thời hạn sở hữu chung cư?
Trao đổi lại ý kiến của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ về trăn trở “có nên tính đến việc sở hữu chung cư có thời hạn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng quy định này rất cần thiết. Thực tế Hà Nội đang có 1.779 chung cư cũ và 30 - 40 năm tới các chung cư hiện tại cũng sẽ thành chung cư cũ. Là cấp chính quyền, phải đặt vấn đề chăm lo tính mạng cho người dân, nên quy định thời hạn là tốt. Mà thời hạn chung cư cũ cũng chỉ là chất lượng thiết kế.
“Dịch giã vào các khu chung cư cũ lo vô cùng. Không dịch thì cháy nổ, suốt ngày cũng phải nín thở. Sở hữu toàn dân là đúng nhưng sở hữu mãi mãi và sở hữu có thời hạn thì khác nhau, cũng như mua ô tô, đi có thời hạn thì bất động sản cũng thế”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cả TP.HCM và Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề rõ ràng thực tiễn đặt ra vô cùng rủi ro cho tính mạng người dân và rủi ro cho hệ thống chính trị nhưng không thể đưa vào luật. Nên có sự thống nhất đề xuất ra Quốc hội. Nếu vấn đề này không quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) thì Hà Nội sẽ đề nghị ghi vào Luật Thủ đô.
Ngày 15-4, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi.