Ngày 18-10, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:
"Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu.
Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân".
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại, hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại vùng xảy ra xung đột, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Vụ tấn công vào Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở Dải Gaza hôm 17-10 đã cướp đi sinh mạng của gần 500 người.
Lực lượng Hamas cáo buộc Israel đã không kích bệnh viện. Tuy nhiên Tel Aviv bác bỏ và dẫn thông tin tình báo nói rằng phong trào Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) - một lực lượng vũ trang ở Gaza - đã bắn nhầm rocket vào cơ sở y tế này.
Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ngày 18-10 kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau vụ việc. Nhiều quốc gia khác đồng loạt lên án vụ tấn công, mô tả bằng những từ ngữ mạnh như "sốc" và "kinh hoàng".
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã bước sang ngày thứ 11, khiến hơn 3.000 người từ cả hai phía thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đáp xuống thủ đô Tel Aviv của Israel trong chuyến thăm thời chiến đầy rủi ro và nguy hiểm. Ông Biden tin rằng vụ nổ bệnh viện ở Gaza không phải do Israel thực hiện.