Lãi vay mua nhà năm đầu về mức trước dịch Covid-19
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, nhằm cải thiện tín dụng tiêu dùng bất động sản, nhất là khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cho vay, tài trợ lại vốn để khách hàng trả nợ khoản vay mua nhà, tiêu dùng ở ngân hàng khác, ACB triển khai gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, lãi suất năm đầu là 8%/năm, từ năm thứ 2 áp dụng lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3%/năm, hoặc lãi suất cố định 9%/năm trong 2 năm đầu.
Tại PVcomBank, mức lãi suất cho vay mua nhà là 9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 10%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối đa 25 năm và Ngân hàng đưa ra nhiều phương án trả nợ, đồng thời cho phép ân hạn nợ gốc.
Mức lãi suất cho vay mua bất động sản tại Techcombank trong 6 tháng đầu là 8,5%/năm, 1 năm đầu là 9%/năm.
Lãi suất dành cho cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà tại Nam A Bank hiện giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm ngoái.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Agribank cho vay mua nhà với lãi suất năm đầu là 8,5%/năm. Tương tự, Vietcombank có gói vay mua bất động sản với lãi suất 12 tháng đầu là 8,5/năm, 18 tháng đầu là 8,8%/năm, 36 tháng đầu là 9,7%/năm.
Các ngân hàng có vốn nước ngoài cũng vào cuộc giảm lãi suất cho vay mua nhà. Chẳng hạn, Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà với lãi suất 8,3%/năm trong 6 tháng đầu và 9,7%/năm trong các năm sau đó, hoặc 8,5%/năm trong năm đầu, 9,3%/năm trong 2 năm đầu, 9,5%/năm trong 3 năm đầu.
Mặc dù lãi suất giảm, nhưng nhu cầu vay mua nhà nhìn chung vẫn ở mức thấp. Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, nguyên nhân không phải vì lãi suất cao.
“Hiện lãi suất cho vay mua nhà gần như ngang bằng với thời kỳ trước dịch Covid-19, nên không thể nói là quá cao”, ông Tùng nói và cho hay, lãi suất cho vay mua nhà bình quân tại OCB nếu tính cả khuyến mãi hiện chỉ còn 7 - 8%/năm, không tính khuyến mãi thì khoảng 10%/năm.
Kỳ vọng tín dụng nhà ở sẽ tăng khi giá và lãi suất giảm thêm
Nhiều người dù có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa mặn mà với việc vay vốn để mua, mà kỳ vọng giá nhà cũng như lãi suất ngân hàng sẽ giảm thêm.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, sở dĩ cầu tín dụng bất động sản tiêu dùng của cá nhân hiện ở mức thấp là do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, dù có nhu cầu về nhà ở song ngân hàng khó có thể kích cầu tín dụng mua nhà trong giai đoạn hiện tại. Mặt khác, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, nên khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà, mà kỳ vọng giá nhà cũng như lãi suất sẽ giảm thêm.
Thực tế, so với cách đây vài tháng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện được xem là “dễ thở” và lãi suất đến cuối năm được dự đoán sẽ quay về mức thấp như thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Liên quan đến lãi suất, nhiều chuyên gia khuyến nghị, người vay cần chú ý đến thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi và biên độ điều chỉnh lãi suất. Bên cạnh đó, không nên vay quá 50% giá trị căn nhà và số tiền phải trả hàng tháng (bao gồm gốc, lãi) không vượt quá 30% thu nhập. Khoảng thời gian 2 - 3 năm đầu là khó khăn và nhiều thách thức nhất, vì thế mỗi cá nhân phải dự phóng được nguồn thu nhập ổn định, bền vững để có thể hấp thụ khoản vay mà không khiến cuộc sống bị ảnh hưởng quá nhiều.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã giảm 1 - 3%/năm so với đầu năm, nhưng với tín dụng cá nhân, trong đó có cho vay mua nhà để ở thì áp lực lãi suất vẫn lớn. Trong khi đó, chính sách ưu đãi lãi suất của các ngân hàng cũng chỉ áp dụng trong giai đoạn 6 tháng đến 1 năm đầu. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải ai cũng có điều kiện để vay mua nhà.
“Vì kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp giảm lương, nên thu nhập của người lao động giảm. Dù có ngân hàng hỗ trợ, nhưng áp lực trả lãi vay là bài toán mà khách hàng cần tính kỹ. Kỳ vọng, khi lãi suất giảm thêm trong thời gian tới sẽ kích thích cầu tín dụng nhà ở tăng trở lại. Bởi lẽ, nhu cầu về nhà ở vẫn cao”, TS. Nguyễn Hữu Huân nói.
TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, nếu tình trạng “thừa” tiền trong ngân hàng kéo dài, thanh khoản dôi dư, mà nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp không cao, thì mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ giảm thêm, nhất là với lãi suất cho vay, kể cả với khách hàng cá nhân.
Về lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc đến bài toán tỷ giá trước khi quyết định có thêm một đợt giảm lãi suất. Thực tế hiện nay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao khi đầu ra sản phẩm ít do sức tiêu thụ của thị trường yếu. Thời gian qua, lãi suất điều hành giảm kéo theo lãi suất huy động đi xuống, khiến một phần dòng tiền chảy sang thị trường chứng khoán, nhưng không nhiều.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu vay mua nhà, sửa chữa nhà của người dân sụt giảm trong nửa đầu năm nay, trong khi năm ngoái, tín dụng mua nhà tăng mạnh. Số liệu do cơ quan này công bố gần đây cho thấy, dư nợ tiêu dùng bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 1,12%, trái ngược so với mức tăng đến 31% của cả năm 2022.
Giới phân tích nhận định, mức lãi suất cho vay mua nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay là dưới 7%/năm; lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội đối với doanh nghiệp dưới 6%/năm, đối với cá nhân mua nhà dưới 4,5%/năm; lãi suất cho vay mua bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng dưới 9%/năm, bất động sản nhà ở cao cấp từ 9 - 10%/năm. Nếu lãi suất được giữ ở mức phổ biến quanh ngưỡng 11 - 13%/năm (không tính thời gian đầu ưu đãi) như hiện nay, thị trường sẽ tiếp tục gặp thách thức và giá bán bất động sản phải giảm thêm mới kích thích nhu cầu mua nhà.
Một số tổ chức tín dụng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống có thể sẽ giảm thêm 0,26 - 0,35%/năm trong quý IV/2023. Kỳ vọng, với lãi suất tiếp tục giảm, đồng thời giá nhà cũng giảm, nhu cầu vay vốn mua nhà sẽ tăng.
Xem thêm: lmth.148133tsop-maig-2-ohc-ahn-aum-yav-uac-uhn/nv.naohkgnuhchnahnnit.www