Theo các doanh nghiệp bán lẻ, đang tồn tại những bất cập trong cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu được quy định tại nghị định 95 và nghị định 83, dẫn tới nhà bán lẻ bị chèn ép. Có nhiều thời điểm, như từng diễn ra vào năm 2022, các nhà bán lẻ chỉ được chiết khấu... 0 đồng, bị thua lỗ nặng nhưng vẫn phải kinh doanh; nhiều cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa do cạn vốn.
Doanh nghiệp gặp khó với chính sách
Đây cũng là lý do mà trong tháng 10-2023, một nhóm các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, đại diện cho ban vận động thành lập, đã nộp đơn tới cơ quan chức năng đề xuất thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Theo các doanh nghiệp bán lẻ, cần thiết phải có một hiệp hội để đại diện tiếng nói cho khâu phân phối cuối cùng nhằm đảm bảo cho các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu được cạnh tranh công bằng, lành mạnh.
Trong khi đó, các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu - vốn chịu trách nhiệm trong khâu tạo nguồn - cũng gặp không ít khó khăn từ cơ chế quản lý. Gần đây nhất, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường - đã có đơn xin điều chỉnh hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu do lo ngại rủi ro về giá hoặc tỉ giá.
Theo doanh nghiệp này, trong 8 tháng đầu năm nay, dù nguồn cung xăng dầu đang dồi dào, có doanh nghiệp bị tồn kho, nhưng Bộ Công Thương lại yêu cầu điều chỉnh phân giao hạn mức tổng nguồn xăng dầu, buộc Petrolimex sẽ phải mua thêm 500.000m3 - chủ yếu là dầu diesel. Trước đó, một thương nhân đầu mối xăng dầu tại miền Nam cũng đề xuất giảm hạn mức nhưng không được Bộ Công Thương chấp thuận.
Một thương nhân khác cho rằng việc Bộ Công Thương phải điều chỉnh tăng hạn mức tổng nguồn tối thiểu đối với một số thương nhân đầu mối chiếm thị phần lớn trên thị trường, có thể do vừa qua rút phép ở một số doanh nghiệp đầu mối. Vì vậy lượng hạn mức được phân giao cho các doanh nghiệp này sẽ phải "bổ đầu" vào các đơn vị khác để đáp ứng cho tổng nguồn chung - nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo năng lượng.
"Đây là một nghịch lý của chính sách. Với 37 doanh nghiệp đầu mối được cấp phép, nguồn cung phải đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng tốt hơn. Tuy vậy, gánh nặng cung ứng xăng dầu vẫn chủ yếu tập trung vào khoảng chục ông lớn, chiếm tới 80% thị phần. Các doanh nghiệp còn lại mới cấp phép có hạn mức được phân bổ rất thấp hoặc cơ bản không đáp ứng yêu cầu tổng nguồn tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao" - vị này phân tích.
Lo thị trường xăng dầu vẫn bất ổn
Một chuyên gia ví von bức tranh các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như "đầu voi đuôi chuột" khi Bộ Công Thương liên tục mở rộng cấp phép tăng số lượng, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Thậm chí một số thương nhân đầu mối còn cho rằng việc cấp phép quá nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu nhưng quản lý không chặt chẽ, tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp "lộng hành", gây bất ổn cho thị trường.
Trong thực tế, trái với việc thiếu nguồn cung và chiết khấu 0 đồng vào năm trước, thời gian gần đây các doanh nghiệp đầu mối đua nhau tăng chiết khấu khi nguồn cung dồi dào và giá xăng dầu liên tục tăng. Mức chiết khấu của đầu mối tư nhân có thời điểm lên tới hơn 2.300 - 2.500 đồng/lít, trong khi mức chiết khấu của các đầu mối xăng dầu nhà nước mức cao nhất chỉ trên 1.000 đồng/lít.
Hậu quả là trong 8 tháng đầu năm nay, nhóm khách hàng bán buôn của một số thương nhân đầu mối lớn giảm mạnh, có đơn vị giảm tới 40% do không thể cạnh tranh được về chiết khấu. Theo một thương nhân đầu mối, việc tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu mối tư nhân sẽ giúp thị trường ngày càng cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, việc cạnh tranh theo kiểu chạy đua chiết khấu ở mức quá cao, chênh lệch quá lớn có thể tiềm ẩn những bất ổn.
Ông Văn Tấn Phụng - tổng giám đốc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai - cho hay kinh doanh xăng dầu đòi hỏi vốn lớn để đầu tư hạ tầng và tạo nguồn hàng. Tuy nhiên, có trường hợp doanh nghiệp đi thuê hoặc mượn kho xăng dầu, cửa hàng nhằm hợp thức hóa để được cấp phép, giảm chi phí kinh doanh. Trong đó có những doanh nghiệp sau khi được cấp phép đã lập ra nhiều công ty, chi nhánh để mua bán lòng vòng theo hình thức "bán lúa non".
"Cơ quan chức năng đã từng cảnh báo về tình trạng mua bán lòng vòng hoặc một số thương nhân đầu mối bị khủng hoảng dòng tiền, phải nợ thuế, chiếm dụng quỹ cho thấy những bất ổn vẫn đang tiềm ẩn của thị trường", ông Phụng nói.
Cần sớm chấn chỉnh những bất cập
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc để xảy ra những vi phạm, bất cập trong quản lý quỹ bình ổn xăng dầu, doanh nghiệp nợ thuế lớn cũng như chậm trễ sửa đổi các quy định liên quan, để phát sinh các bất cập trên thị trường là trách nhiệm lớn của liên bộ Công Thương - Tài chính. Theo ông Hòa, quỹ được giao cho doanh nghiệp nhưng việc quản lý, giám sát không chặt chẽ từ cơ quan quản lý, để cho doanh nghiệp chiếm dụng quỹ là "không chấp nhận được".
"Có hay không việc doanh nghiệp sử dụng quỹ để đầu cơ, kinh doanh lĩnh vực khác, hay thiếu nợ thuế, mất khả năng thanh toán? Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phải làm rõ và chấn chỉnh kịp thời, công khai minh bạch thông tin cho người dân biết. Bởi nếu không được chấn chỉnh kịp thời, doanh nghiệp nợ thuế, trốn thuế quy mô lớn sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân khi đây là tiền quỹ, tiền thuế của dân đóng góp. Việc các doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế, chiếm dụng quỹ là không chấp nhận được, cần rà soát nhằm chấn chỉnh những bất hợp lý, đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh hơn" - ông Hòa đề nghị.
Cũng theo ông Hòa, cần phải xem lại quy trình cấp phép doanh nghiệp xăng dầu, tổng rà soát hệ thống thương nhân xem có đủ năng lực tài chính hay không, có đáp ứng được các yêu cầu hay không bởi đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Chính sách đừng chỉ giải quyết phần ngọn
Cho đến nay theo các doanh nghiệp, hàng loạt vấn đề đặt ra trong cơ chế quản lý để lành mạnh hơn nữa thị trường vẫn chưa có lời giải đáp. Đó là có hay không việc mở cửa thị trường xăng dầu? Nhà nước quyết định giá hay doanh nghiệp? Thời gian điều chỉnh giá theo tuần hay chu kỳ 10 ngày? Quyền được lấy hàng nhiều nguồn, mức chiết khấu của các đại lý để đảm bảo sự công bằng? Duy trì hay bỏ quỹ bình ổn xăng dầu?...
Từng góp ý về dự thảo sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng những bất cập trên thị trường xăng dầu chủ yếu xuất phát từ chính sách quản lý. Chẳng hạn, chính sách quản lý giá chưa được "tính đúng, tính đủ" hay quy định về chiết khấu là "can thiệp vào thị trường một cách nửa vời" khi không đưa ra mức chiết khấu tối thiểu cho khâu bán buôn, nhưng lại can thiệp vào khâu bán lẻ khi có quy định giá bán lẻ tối đa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thắng - tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - kiến nghị cần sớm sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 để có cơ chế hợp lý nhằm bình ổn lại tình hình hoạt động kinh doanh của thị trường xăng dầu. Trong đó cần công khai tỉ lệ phần trăm các khâu bán buôn và bán lẻ được nhận từ chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức. Siết chặt giám sát và quản lý nguồn xăng dầu nhập khẩu phân phối trên thị trường.
Giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu miền Nam cho rằng một số nội dung đề xuất sửa đổi tại các nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu mới chỉ giải quyết phần ngọn. "Trong khi đó, những bất cập tồn tại trên thị trường như việc cấp phép, nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu; việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn; tình trạng nợ thuế và chiếm dụng quỹ bình ổn... vẫn là những vấn đề còn bỏ ngỏ", vị này nói.
Cần phải kiểm tra xem các doanh nghiệp có ứng tạm tiền từ kinh doanh xăng dầu, gồm cả tiền thuế và quỹ bình ổn để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác, như bất động sản, tài chính... dẫn đến nợ đọng thuế.