Theo Hãng tin Reuters, vụ tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi tại miền bắc Dải Gaza ngày 17-10 là tâm điểm mới nhất trong "cuộc chiến thông tin" giữa các bên ủng hộ Israel và Hamas. Cả hai bên đều cố gắng củng cố cho lập luận của phe mình, trong khi gieo rắc nghi ngờ lên quan điểm của phe kia.
Cuộc chiến thông tin giữa Israel và Hamas
Ngày 18-10, các chuyên gia thuộc Chính phủ Mỹ và một số chuyên gia độc lập dẫn các bằng chứng sơ bộ cho rằng một nhóm vũ trang địa phương tại Dải Gaza đã tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi, bác bỏ cáo buộc trước đó của Palestine đối với Israel.
Dựa trên các bức ảnh được công khai trong vụ tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi, các chuyên gia cho biết hiện trường vụ tấn công không có dấu hiệu của một cuộc không kích của các loại bom hay tên lửa Israel thường sử dụng.
Các thiệt hại được ghi nhận sau cuộc không kích cũng không phù hợp với số người thiệt mạng là 471 người được người phát ngôn Cơ quan Y tế tại Dải Gaza đưa ra.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cho biết đã thu thập được những bằng chứng tình báo "có độ tin cậy cao" chỉ ra vụ tấn công bệnh viện ngày 17-10 do nhóm Thánh chiến Hồi Giáo Palestine Jihad gây ra.
Theo nhiều nguồn tin tình báo, hiện trường xảy ra vụ nổ là một khu vực mở và không lớn, cùng với thiệt hại không đáng kể từ sóng xung kích, cho thấy sự mâu thuẫn với số thương vong đã được công bố.
Hình ảnh và video ghi nhận tại hiện trường cho thấy khu vực xảy ra vụ nổ là một bãi đỗ xe và các tòa nhà thuộc bệnh viện không có thiệt hại lớn.
Báo Wall Street Journal dẫn lời ông Blake Spendley, một nhà phân tích tình báo, cho biết: "Hiện tại có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy một tên lửa của Hamas hoặc PIJ đã tấn công khu vực này".
Ông Blake cũng cho biết thêm các hình ảnh và video hiện trường mà ông xem được phù hợp với số người chết khoảng 50 người hơn là 500 người theo công bố của Hamas.
Tuy nhiên, PIJ đã bác bỏ thông tin của Israel, cáo buộc Israel "đang cố gắng hết sức để trốn tránh trách nhiệm" về cuộc tấn công.
Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc Riyad Mansour cáo buộc Israel thực hiện cuộc tấn công và đang nói dối, đổ lỗi cho người Palestine.
Cẩn thận với thông tin trên mạng xã hội
Tuần trước, Marc Zell, cá nhân thuộc một tổ chức chính trị Israel có trụ sở tại Mỹ, chia sẻ một video lên mạng xã hội X (Twitter) khẳng định nhóm Hamas đã bắt cóc một bé gái và mang về Gaza.
Đoạn video vào thời điểm đó thu hút 1,1 triệu lượt xem và gần 2.000 lượt chia sẻ. Tuy nhiên, nhiều người dùng đã chỉ ra đây là đoạn video đã được đăng lên TikTok vào tháng 9. Zell sau đó đã xóa bài đăng nhưng đoạn clip vẫn lan truyền trên mạng xã hội.
Trong một ví dụ khác, một người dùng X đã chia sẻ các thước phim cho thấy Hamas bắn hạ nhiều máy bay trực thăng của Israel, nhưng hóa ra đây chỉ là video trong tựa game mô phỏng "Arma 3".
Tạp chí Time dẫn các phát hiện từ NewsGuard - một tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch, cho biết đã có ít nhất 14 tuyên bố sai sự thật liên quan đến xung đột Israel - Hamas thu hút được 22 triệu lượt xem trên X, TikTok và Instagram trong ba ngày kể từ khi giao tranh bùng nổ.
Mạng xã hội X cho biết đã có khoảng 50 triệu bài đăng liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas được chia sẻ trên nền tảng. Mạng xã hội này đồng thời cũng đã xóa nhiều tài khoản mới tạo có quan đến Hamas với "hàng chục ngàn bài đăng" có nội dung thù địch.
"Trong thời điểm hỗn loạn và xung đột, chúng ta sẽ thấy có nhiều thông tin sai lệch và thông tin gây hiểu nhầm", Tạp chí Time dẫn lời nhà sáng lập Alethea của công ty chuyên theo dõi các thông tin sai lệch, cho biết.
Ngày 19-10, hiện diện tại Tel Aviv, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh nước Anh đoàn kết với Israel và cho rằng Hamas đã thực hiện các hành động khủng bố.