Bộ Y tế vừa có quyết định điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Theo đó, từ ngày 20-10, các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Trước đó, tháng 1-2020, Bộ Y tế đã có quyết định về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Sau gần 4 năm chống dịch, COVID-19 chính thức được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Cụ thể, bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
COVID-19 được xếp chung với các bệnh do vi rút adeno; bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; sốt xuất huyết,…
Ngày 19-10, phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng ký quyết định sửa đổi phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, bổ sung nhóm, thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19.
Theo đó, bệnh COVID-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.
Trước đó, theo quy thời gian ủ bệnh trung bình của COVID-19 là 14 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc mới đối với bệnh COVID-19 là 28 ngày.
Đã đủ căn cứ để COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Theo Bộ Y tế, việc chuyển bệnh COVID-19 thuộc nhóm A sang nhóm B là do thông tin đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, cụ thể:
1. Từ đầu năm đến 31-8, ghi nhận 97.628 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận khoảng 12.000 ca mắc; số mắc trung bình tháng giảm 12 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 68 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng).
Tỉ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8-2023). Tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%);
2. Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là vi rút SARS-CoV-2;
3. COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Hơn 11.600.000 ca mắc COVID-19
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận 11.624.065 ca COVID-19.
Việt Nam đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân; đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.470 ca nhiễm).
Tổng số ca được điều trị khỏi là 10.640.953 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Việt Nam cũng đã tiêm 266.532.582 liều vắc xin phòng COVID-19.
Đại diện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết đơn vị đã đề xuất chuyển đổi công năng, sử dụng của bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 nằm trên đường Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) thành địa điểm khám bệnh và điều trị cho người dân.