Những câu chuyện được chia sẻ bên ánh đèn dầu đan xen với âm nhạc. Không gian lắng đọng với bao tình cảm dành cho những người phụ nữ yêu thương.
Lớn lên trong gia đình truyền thống cách mạng, bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) - phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn - kể má đã bị địch bắt và giam suốt hai năm vì bị nghi ngờ gia đình có hoạt động cách mạng.
Sau đó, nhà bị khủng bố hoài nên phải bỏ quê, chuyển lên Sài Gòn tìm đường sinh sống và nối lại với tổ chức cách mạng.
Không lâu sau ngày hòa bình, cha bà Tư Liêm đột ngột qua đời. Má đã ở một mình lo cho các con. Khúc biệt ly của gia đình bà tới... 21 năm.
Nhưng tính hết trong gia đình, kể cả dâu rể đã có tới 48 năm sống trong lao tù của chính quyền Sài Gòn, trong đó có người bị kết án tử hình ở Côn Đảo.
Là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM, chị Nguyễn Ngọc Hương kể đã chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp, muốn được làm giàu trên chính quê hương mình.
Hành trình ấy bắt đầu từ năm 2016 với cây rau má vốn là loại rau không xa lạ gì với người Việt Nam. Nhưng thời gian đầu hầu như chẳng ai quan tâm vì nghĩ cứ ra chợ là mua được, mắc gì phải bỏ tiền mua bột rau má về uống.
Nói về kết quả hiện tại, khi nhiều loại bột rau của chị sản xuất đã xuất đi nước ngoài, chị Hương nhắc đến sự tiếp sức của mẹ. Chính câu nói của mẹ "Chỉ có học mình mới thoát nghèo được con ạ" đã như tiếp sức để chị biết rằng luôn phải cố gắng thật nhiều.
"Hôm nay chúng ta được sinh ra trong đầy đủ vật chất, đầy đủ sự giáo dục. Chúng ta là thế hệ tiếp nối, phải làm những điều có ích cho xã hội bằng sự đóng góp, chia sẻ và cho đi của mình", chị Hương nói.
Trái tim người bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch COVID-19
Một Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM khác, bác sĩ Phạm Thị Ái Xuân nói thay vì chọn ngành hot, chị quyết định học bác sĩ y học dự phòng.
Giữa những ngày thành phố căng mình chống dịch, chị cùng đồng nghiệp đã trở thành những "chiến binh" giúp bà con bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Ái Xuân tâm sự: "Với tôi, việc giúp ích cho người khác và xã hội luôn mang lại niềm vui nên tôi sẽ tham gia hoạt động tình nguyện bất cứ khi nào có thể".
Chị nói rằng người phụ nữ năng động hôm nay không chỉ biết vun vén gia đình mà cần quan tâm, cống hiến cho cộng đồng.
TTO - Từ khi chào đời, đôi mắt của cô gái Khương Thị Bích Hằng đã chẳng thể nhìn thấy ánh sáng. Nhưng bằng nghị lực của bản thân, Bích Hằng đã trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh, tiếp thêm niềm tin, động lực cho bao em nhỏ giống mình.