Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời giao Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật.
Sau 3 năm triển khai, Luật Đất đai sửa đổi đã thu về hàng triệu ý kiến đóng góp từ các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước, bộ luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua trong tháng 10/2023 tại Kỳ họp thứ 6, khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10/2023 tới đây.
Về kết quả lấy ý kiến nhân dân, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, khoá XV, cho biết đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến, góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các nội dung được Nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Dưới cương vị là một người trực tiếp góp ý vào Luật Đất đai sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi có thể được thông qua trên tinh thần đổi mới, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao và tạo ra sự thay đổi căn bản trong quản lý đất đai, khắc phục những hạn chế, tồn tại đặc biệt vấn đề khiếu kiện đất đai như thời gian qua.
Luật Đất đai khơi thông nguồn lực, "cởi trói" cho BĐS
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) bày tỏ, dưới cương vị là một người hoạt động trong lĩnh vực BĐS, ông mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết được bài toán chồng chéo, vênh giữa các điều luật, gây khó cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Từ đó dẫn đến khó khăn cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý trong việc giám sát, điều chỉnh thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường BĐS.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nguồn cung trên thị trường BĐS khan hiếm, thanh khoản sụt giảm, ông Đính mong rằng Luật Đất đai sửa đổi sẽ giúp khơi thông nguồn lực, ổn định xã hội, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường địa ốc và tiếp thêm động lực cho thị trường BĐS.
“Chính sách được ban hành có thể chưa bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai”, ông Đính chia sẻ.
Chủ tịch VARS đặc biệt mong chờ Luật Đất đai sửa đổi sẽ ban hành quy định cụ thể cho hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Thông tin thêm, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết hiện nay trên thị trường BĐS đang cả nghìn dự án “đắp chiếu” mong chờ sự tháo gỡ của pháp luật. Do đó, vị chuyên gia kỳ vọng Luật Đất đai sẽ có các quy định cụ thể để có khả năng gỡ vướng cho các dự án kể trên, đồng thời xoá bỏ đi câu chuyện các cơ quan quản lý “sợ sai, sợ trách nhiệm” trong phê duyệt dự án.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea) thông tin, chỉ tính riêng Hà Nội và Tp.HCM ước khoảng 400 dự án đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Tình trạng đình trệ của thị trường BĐS thời gian qua chịu tác động lớn bởi vấn đề vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án.
Đáng chú ý, ông Khôi mong Luật Đất đai có thể quy định cần miễn giảm quyền tiền sử dụng đất cho các dự án nhà ở xã hội. Dù trên thực tế, hiện nay quỹ đất của các địa phương không còn nhiều, nhưng việc sửa luật theo hướng cho doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội vẫn là một điều rất cần được quan tâm.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết Chính phủ sẽ quy định bằng Nghị định, vậy nên đại diện VNRea mong rằng các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính… sẽ ban hành các văn bản đồng bộ, đồng thời để có thể ngay lập tức đưa luật vào thực hiện.
Doanh nghiệp kỳ vọng gì vào bộ luật mới?
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, TS. Đỗ Thanh Trung - Cố vấn Ban Giám đốc Phúc Khang Corporation chia sẻ với Người Đưa Tin, Luật Đất đai rất quan trọng trong hệ thống pháp lý Việt Nam, tác động đến các chủ quản có liên quan từ nhà nước, doanh nghiệp, người dân, tác động đến phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, ông Trung mong chờ Luật Đất đai sửa đổi sẽ gớ vưỡng cho các dự án, đặc biệt là dự án thuộc phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Vị chuyên gia phân tích, Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch lớn, trong khi đó, các quy định về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng lại chưa được luật hoá một cách cụ thể trong bộ luật cũ. Do đó, ông Trung cho rằng thời gian tới, Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo ra thêm về cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho phân khúc BĐS này rộng đường phát triển.
Còn đối với ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP Invest), ông lại chia sẻ kỳ vọng Luật Đất đai sẽ hiện thực hoá được việc công bố rộng rãi thông tin đất đai.
Nêu thực tế, ông Hiệp cho biết thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều bất cập, những thông tin về việc nơi nào có dự án, dự án đang phát triển ra sao, như thế nào… đều bị “thậm thụt, trôi nổi” trên thị trường, thậm chí phải bằng quan hệ thì mới có thể biết được.
Do đó, Luật Đất đai sửa đổi sẽ đặt những “viên gạch” đầu tiên cho việc công khai, minh bạch thông tin về thị trường, thông tin pháp lý, thông tin về tiến độ cơ bản của dự án, thông tin về tình hình mua bán, bao gồm số lượng và giá giao dịch tại từng thời điểm.
“Doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện nay đều đang có tâm lý hồi hộp, chờ đợi xem hệ thống luật pháp điều chỉnh như thế nào để họ có thể tính toán lại đường hướng phát triển cho doanh nghiệp của mình. Vì hệ thống luật đang sửa đổi có liên quan trực tiếp và tác động mạnh đến sự phát triển, hồi phục nhanh hay chậm của thị trường BĐS”, ông Hiệp nói.
Chủ tịch GP Invest hy vọng sự thay đổi của hệ thống luật pháp Việt Nam được ban hành kịp thời sẽ giúp cho những khó khăn được khơi thông, đồng thời thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS.
“Đặc biệt với đất nước một trăm triệu dân như chúng ta thì nhu cầu nhà ở luôn luôn là vấn đề nóng, nên BĐS của Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng phát triển nếu xây dựng được môi trường pháp luật thông thoáng, hành lang pháp lý công khai, minh bạch”, vị lãnh đạo phân tích.