Chiều 22-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Báo cáo lĩnh vực VH-TT&DL Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, trong ba tháng cuối năm 2023, ủy ban sẽ tập trung thẩm tra dự án luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục cũng đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa. Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.
"Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 bảo đảm chất lượng, khả thi"- ông Lượng bày tỏ.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, bộ đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ sớm trình các cấp có thẩm quyền về chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Bà Thuỷ cũng đưa ra một số vấn đề cần quan tâm như tên gọi, phạm vi và nguồn lực.
Về phạm vi, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho rằng, rất nhiều ý kiến băn khoăn là văn hóa con người rất rộng, nếu chúng ta không đề cập một cách hài hòa, phù hợp thì vấn đề con người trong chương trình mục tiêu có sự mờ nhạt nên bộ đang nghiên cứu.
Về tên gọi bà Thủy cho biết, hiện cũng có nhiều ý kiến băn khoăn như tên gọi mà Bộ Chính trị đã giao hay tên gọi mà hiện đang cố gắng nghiên cứu.
“Tên gọi như Bộ Chính trị giao là Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam hay chỉ đơn giản là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Chúng tôi đang có nghiên cứu"- bà Thủy nói.
Về nguồn lực, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ bày tỏ đây là khó khăn lớn nhất hiện nay. "Tất cả các vấn đề, bộ cũng đang rất tích cực nghiên cứu để sớm đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện"- bà Thủy cho biết.
Cũng liên quan đến chủ đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, nguồn lực ít hay nhiều sẽ có sự cân đối. Tuy nhiên, theo ông Vinh, quan trọng nhất chính là ưu tiên, tập trung cho việc gì, giải quyết thế nào.
Ông Vinh dẫn chứng: “Giả sử một di tích văn hóa, khu di tích nếu chỉ duy tu bảo trì cái lõi thì kinh phí ít, nhưng cải tạo toàn bộ khuôn viên, còn làm du lịch thì ra kinh phí rất khác".
Từ đó, ông Vinh cho rằng, Bộ VH-TT&DL nên thông tin theo hướng thứ tự ưu tiên thế nào, làm cái nào chính, cái nào trước và khi có nguồn lực làm tổng thể hơn, bài bản hơn và khi đó cần nguồn lực lớn hơn.
"Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất gần đây là thiếu thông tin. Ngay cả chúng tôi đọc báo mới biết con số 350.000 tỉ chứ cũng chưa biết, chưa hình dung nó thế nào. Dân cũng vậy thôi, tiếp cận nhiều thông tin đâu đó không đầy đủ. Do đó, thay vì con số tổng thì Bộ VH-TT-DL cần giải thích cho người dân việc cần làm thì tôi cho rằng xã hội sẽ ủng hộ thôi"- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục nói.
Trước đó Bộ VH-TT&DL có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước cho ý kiến, tổng mức đầu tư cho chương trình được đưa ra là 350.000 tỉ đồng.
350.000 tỉ chấn hưng văn hóa: Nhiều bộ đề nghị rà soát kỹ kinh phí
(PLO)- Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế.