Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Xã hội Vũ Hồng Thanh cho biết sau 9 tháng, dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 700 tỷ USD, xuất siêu ước khoảng 15 tỷ USD. Tiêu dùng tăng trưởng tích cực; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi NSNN được kiểm soát. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị tiếp tục được hoàn thiện. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68% (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110.000 tỷ đồng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm…
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Xã hội Vũ Hồng Thanh
Bên cạnh những kết quả đạt được, Uỷ ban Kinh tế cho rằng các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc khá mạnh (Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của ngành Quý I giảm 2,9%, Quý II giảm 0,7%, 9 tháng tăng thấp 3,5%).
Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường trái phiêu doanh nghiệp tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%).
"Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế", Uỷ ban Kinh tế đánh giá.
Ngoài ra, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022.
Uỷ ban Kinh tế đánh giá, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao… Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động…
Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản
Trong những tháng cuối năm 2023, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
Trong năm 2024, Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn tín dụng; điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu. Tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp.
"Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ", Uỷ ban Kinh tế đề xuất.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản
Ngoài ra cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả.
Củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Báo cáo mới công bố, Bộ Xây dựng cho biết tính đến 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng. Con số này tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7/2023 và tăng 27% so với con số 777.235 tỷ đồng tại ngày 31/8/2022.
Dẫn báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Bộ Xây dựng cho biết vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78905543132013202-or-iur-na-meit-gnal-mart-nas-gnod-tab-gnourt-iht/et-hnik/nv.vtv