Ngày 23-10, ông Phạm Tuấn Anh - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông - cho biết diện tích sầu riêng toàn tỉnh hiện xấp xỉ 10.000 héc ta, trong đó chỉ riêng năm 2022 đến nay đã tăng hơn 3.500 héc ta.
"Tỉnh đã phải triển khai nhiều giải pháp để người dân không phát triển ồ ạt sầu riêng ngoài vùng quy hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng", ông Tuấn Anh nói.
Phá cà phê, hồ tiêu, điều để trồng sầu riêng
Đúng như ông Tuấn Anh nói, tại khu vực biên giới Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), nhiều vườn trồng điều - vốn là cây trồng chủ lực trước nay ở vùng này - gần đây đã bị chủ vườn chặt bỏ để thay thế bằng niềm hy vọng mới: Cây sầu riêng.
Từ đầu mùa khô năm 2023, anh Nguyễn Văn Chí (trú xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) quyết định phá 2ha điều để thay thế bằng cây sầu riêng.
"Điều mất mùa, giá thấp khiến tôi rất xót ruột. Thấy gần đây người ta trồng sầu riêng thu nhập khấm khá quá, vợ chồng tôi bàn nhau rồi thống nhất phá bỏ vườn điều, trồng 200 cây sầu riêng, hy vọng nay mai có thu nhập tốt hơn", anh Chí bộc bạch.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, trong gần 10.000ha sầu riêng hiện tại, khoảng 3.560ha trồng mới từ năm 2022 trở lại đây. Hiện ở tỉnh này có 4.573ha sầu riêng đã cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 45.000 tấn, năng suất khoảng 9,8 tấn/ha.
Tương tự, ông Vũ Đức Côn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho biết hiện toàn tỉnh đã có hơn 28.600ha sầu riêng. Trong số này có gần 3.000ha trồng mới, gần 16.000ha đang ở giai đoạn kiến thiết và gần 10.000ha kinh doanh.
"Vài năm tới diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ lên đến 30.000ha. Đây cũng là điều lo ngại đối với ngành sầu riêng ở Đắk Lắk do diện tích tăng quá nhanh", ông Côn nói.
Các tỉnh còn lại thì diện tích sầu riêng cũng tăng mạnh như Lâm Đồng khoảng 15.000ha, Gia Lai hơn 5.600ha (có gần 3.000ha trồng mới mấy năm trở lại đây). Với diện tích tăng quá nhanh như vậy, sản lượng sầu riêng toàn vùng cũng tăng rất nhanh theo từng năm.
Diện tích đã vượt quy hoạch
Ông Nguyễn Hoài Dương - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk - cho biết ước tính hiện cả nước có hơn 112.000ha sầu riêng (sản lượng khoảng 900.000 tấn), tăng gần 25% trong 5 năm gần đây.
"Riêng tỉnh Đắk Lắk, chỉ mới khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch thì sản lượng năm 2023 của tỉnh cũng trên 200.000 tấn (sản lượng gần bằng của ba tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng cộng lại - PV). Những năm tới sản lượng sầu riêng của địa phương sẽ tiếp tục tăng nhanh, bài toán chất lượng cần phải được đặt lên hàng đầu", ông Dương khuyến cáo.
Về nguyên nhân tăng diện tích sầu riêng, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương Tây Nguyên cho rằng là do giá tăng cao, kéo theo việc người dân chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu sang trồng sầu riêng. Trong số này, nhiều diện tích chuyển đổi ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp, tự phát rất đáng lo ngại.
Ông Vũ Đức Côn khẳng định với diện tích tăng nhanh như vậy, rõ ràng sầu riêng đã vượt quy hoạch, kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, việc cấm người dân mở rộng diện tích là khó khăn vì đất đai thuộc quyền quản lý của từng hộ.
Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh nói: "Sở đã có nhiều khuyến cáo nông dân không phá cà phê, hồ tiêu… để mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt trên những vùng không phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu".
Lo lắng việc giữ chất lượng sầu riêng Việt Nam
Đánh giá về chất lượng sầu riêng tại địa phương, ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch Hợp tác xã Trái cây Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) - khẳng định đang rất tốt, không thua kém sầu riêng Thái Lan.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhìn nhận: "Trồng sầu riêng đã khó nhưng khi thu hoạch, bảo quản để đưa đi xuất khẩu đảm bảo chất lượng lại càng không dễ".
"Cò" nâng giá khiến nhiều nông dân bẻ cọc, doanh nghiệp thu mua thực sự lo lắng chưa dám mua. Việc này dẫn đến hậu quả mùa sầu riêng năm nay "vỡ trận", nguy cơ giá mua rớt thảm vào chính vụ.