Thực tế này có nguyên nhân lớn từ tác động khách quan bất lợi, đồng thời có nguyên nhân không nhỏ từ tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm đối với công việc của một số "mắt xích" trong bộ máy công quyền.
Chỉ trong năm tháng, Thủ tướng Chính phủ hai lần ban hành công điện hối thúc bộ máy hành chính các cấp phải làm việc.
Lần một: ngày 19-4, Thủ tướng ra công điện số 280 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Trong đó nêu rõ tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm đã dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Lần hai: ngày 16-10, Thủ tướng ban hành công điện số 968 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
"Công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc", công điện chỉ rõ.
Tại TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng không ít lần bày tỏ sốt ruột trước tình trạng nêu trên.
Phát biểu kết luận tại hội nghị Thành ủy TP.HCM (mở rộng) ngày 10-10, ông tiếp tục nêu hạn chế trong các mối quan hệ giữa TP.HCM và các bộ ngành, giữa các sở, các địa phương với nhau. Đây là nguyên nhân khiến công việc còn chậm trễ, lòng vòng, gây mất thời gian, phiền toái, làm mất cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Hậu quả của tình trạng không chịu làm việc là rất lớn. Nó khiến người dân, doanh nghiệp bế tắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, các dự án đầu tư, đánh mất cơ hội trong kinh doanh, công việc, làm cho những khó khăn thêm trầm trọng.
Nguồn lực của Nhà nước và xã hội không được khai thông, "giải phóng" kịp thời đã làm suy giảm cả động lực và niềm tin của xã hội. Đây là tội lớn, đặc biệt khi nó xảy ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những cơ hội lịch sử để có thể vượt qua khó khăn, tăng tốc, bứt phá.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh đối với các hành vi làm sai, làm trái. Đến lúc những người không chịu làm việc cũng phải bị xử lý thích đáng.
Các cuộc lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ tại Quốc hội và HĐND các cấp tới đây cần được coi như phương thuốc đắng để trị bệnh né trách nhiệm. Ai không làm được việc hoặc không chịu làm việc thì phải "đứng sang một bên" chứ không thể ngồi ì mãi trên chiếc ghế quyền lực.
Thay mặt dân, đại biểu dân cử các cấp phải là người "bốc thuốc" qua mỗi lá phiếu tín nhiệm, kiên quyết thay thế những "mắt xích yếu" để cỗ xe tiến lên mạnh mẽ.
Đương nhiên, để các cơ quan dân cử thể hiện được sức mạnh của công tác giám sát, mỗi lá phiếu đánh giá công tâm, khách quan, thực chất đối với người do mình bầu hoặc phê chuẩn, mỗi đại biểu dân cử cũng cần khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.
Chiều 24-10, danh sách 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã được trình Quốc hội để biểu quyết thông qua.