Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), trong khi nhiều nước phương Tây cấm vận và ngưng nhập dầu của Nga thì Ấn Độ, với nhu cầu dầu thô rất lớn, đã tiếp tục mua dầu Nga với giá chiết khấu.
Điều này đã buộc các nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ phải sử dụng các phương thức thanh toán thay thế như dùng đồng dirham của UAE khi giá cả tăng vọt sau chiến sự tại Ukraine.
Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ từ tháng 7 đã bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để thanh toán một số đơn hàng dầu cho người bán Nga, đồng thời tiếp tục sử dụng đô la Mỹ và dirham để thanh toán hầu hết các giao dịch mua dầu từ Nga.
Lãnh đạo các nhà máy lọc dầu cho biết, việc thanh toán cho ít nhất 7 lô hàng vẫn đang chờ xử lý kể từ tuần cuối cùng của tháng 9.
Theo Firstpost, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ mua hầu hết dầu Nga từ các thương nhân, đồng thời thực hiện một số giao dịch trực tiếp với các thực thể Nga.
Các nguồn tin thân cận với Reuters cho biết, các thương nhân sẵn sàng thực hiện giao dịch bằng đồng dirham, nhưng người bán ở Nga lại yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Ấn Độ (Indian Oil Corp) - nhà máy lọc dầu hàng đầu của nước này - trước đây đã sử dụng đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác để thanh toán cho đơn hàng dầu của Nga.
Các nguồn tin cho biết, các nhà máy lọc dầu nhà nước khác của Ấn Độ như Bharat Petroleum Corp và Hindustan Petroleum cho đến nay vẫn chưa thanh toán dầu bằng đồng nhân dân tệ, cũng đã được các nhà cung cấp Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc.
Nga muốn thanh toán bằng nhân dân tệ
Trong khi các nhà máy lọc dầu nhà nước Ấn Độ muốn sử dụng đồng rupee để thanh toán cho dầu của Nga sau khi ngân hàng trung ương nước này công bố cơ chế thanh toán ngoại thương bằng đồng rupee vào năm ngoái, thì Nga lại không muốn nhận đồng rupee do cán cân thương mại song phương đang nghiêng về phía Moscow.
Một bài viết trên Bloomberg lưu ý rằng, Moscow đang “ngồi trên đống rupee” trị giá hàng tỷ USD nhưng đang gặp khó khăn trong việc sử dụng số tiền đó.
Nga cũng có những lý do khác để muốn thanh toán bằng nhân dân tệ.
Trang tin The Wire (Ấn Độ) trích dẫn một nghiên cứu của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cho biết, tỷ lệ hàng nhập khẩu của Nga được tính bằng đồng nhân dân tệ đã tăng lên 20% vào năm 2022 từ mức chỉ 3% vào năm 2021. Điều này xảy ra sau khi Nga chuyển đổi chiến lược sang đồng nhân dân tệ sau khi bị Mỹ và EU trừng phạt.
Bloomberg lưu ý rằng, “cơn đói” đồng nhân dân tệ của Nga đã tăng mạnh như thế nào khi nền kinh tế nước này trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc .
“Các doanh nghiệp Nga đã phải thực hiện giao dịch nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ, và đồng tiền Trung Quốc đã thay thế đồng đô la Mỹ trở thành loại tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga trong năm nay”, bài viết lưu ý.
Ấn Độ tìm cách trì hoãn
Tuy nhiên, hai quan chức của Bộ Tài chính Ấn Độ nói với Reuters rằng, chính phủ nước này đã trở nên không thoải mái với việc sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán.
Theo Reuters, hiện chưa rõ Chính phủ Ấn Độ có thực sự chỉ đạo các nhà máy lọc dầu nhà nước ngừng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hay không, nhưng thái độ không khuyến khích của New Delhi là rõ ràng.
Quan chức của Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết: “Việc này không bị cấm và nếu một công ty tư nhân có đồng nhân dân tệ để thanh toán giao dịch, chính phủ sẽ không ngăn chặn nhưng cũng sẽ không khuyến khích hay tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch đó.”
Một bài viết trên Bloomberg lập luận rằng, việc thúc đẩy giao dịch bằng đồng nhân dân tệ so với đồng rupee sẽ cản trở nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của New Delhi; đồng thời, nếu làm như vậy Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích trước cuộc bầu cử vào năm 2024.
Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong khối BRICS phản đối việc đưa ra một loại tiền tệ chung, vì sợ rằng cuối cùng nó sẽ có lợi cho đồng nhân dân tệ - Bloomberg lưu ý.
Ngoài ra, một số người coi việc sử dụng đồng nhân dân tệ là mang lại lợi ích cho Trung Quốc, khi mối quan hệ giữa hai nước vẫn căng thẳng.
Các nguồn tin thân cận với Reuters cho biết, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ làm tăng chi phí của bên mua, vì trước tiên đồng rupee cần được chuyển đổi sang đô la Hồng Kông và sau đó là nhân dân tệ, một quá trình tốn kém hơn 2-3% so với thanh toán bằng đồng dirham.