Được tổ chức ngay trong khuôn viên một di tích đẹp ở trung tâm TP.HCM, lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt" diễn ra từ ngày 20 đến 22-10, kỳ vọng thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan, khám phá, nhưng cuối cùng là sự thất vọng về một dịp quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Lễ hội do Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam tổ chức.
Chị L. có gian hàng tham gia hội chợ cho biết do chủ quan nên hôm nhận gian hàng chị giao nhân viên đảm nhận. Sau khai mạc, chị đến lễ hội mới tá hỏa vì cách bố trí gian hàng quá lộn xộn, như một mê cung.
Ngay trong khuôn viên dinh Độc Lập nhưng các tấm ván đặt trên bãi cỏ ướt sình lầy. Không gian lộn xộn, lối đi thì nhếch nhác, bức bí khiến lượng khách đông nhưng các gian hàng lại vắng do khách chỉ đi dạo quanh vì... ngán ngẩm.
Các món ăn của gần 100 gian hàng cũng không được xếp theo tiêu chí của vùng miền nay truyền thống như quảng cáo, vì thế không toát lên được thông điệp ẩm thực Việt Nam nào.
"Tôi là chủ doanh nghiệp nên cũng kỳ vọng đây là cơ hội dành cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, nhưng thực tế các gian hàng thực phẩm của cá nhân, ít thương hiệu lại chiếm đa số", chị C., chủ một doanh nghiệp ngành hàng giải khát, nói thêm.
Ngay cả yếu tố cơ bản nhất là nhà vệ sinh cũng bất cập. Ban tổ chức chọn vị trí làm lễ hội ngay trung tâm nhưng công tác hậu cần rất sơ sài.
Trong khi một lễ hội thành công đến từ việc chọn địa điểm phù hợp. Địa điểm đó phải có không gian và cơ sở hạ tầng tốt, đảm bảo cho tất cả hoạt động dự kiến và khách đến lễ hội dễ dàng tiếp cận, đi lại.
"Những bất cập này khiến các gian hàng đều thua lỗ. Mỗi ngày chúng tôi trả tiền thuê 5 triệu đồng/gian, chưa kể chi phí khác. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ ban tổ chức là chi phí thuê gian hàng không được giảm, mà các doanh nghiệp sẽ được giảm 50% nếu tiếp tục tham gia hội chợ trong những lần tiếp theo của Hiệp hội Du lịch TP.HCM", chị L. nói.
Cần có tầm nhìn
Với tiềm năng, thế mạnh về văn hóa lịch sử lâu đời, ẩm thực phong phú, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, ẩm thực Việt Nam hoàn toàn có thể là sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam để đi ra thế giới.
Đại diện Saigontourist Group, đơn vị có kinh nghiệm trong tổ chức nhiều sự kiện văn hóa ẩm thực đặc sắc, quy mô lớn của Việt Nam và tại các nước trên thế giới, từng chia sẻ dù sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn 5 sao nhưng mỗi khi tổ chức lễ hội ẩm thực, Saigontourist Group luôn cân nhắc rất kỹ.
"Đầu tiên là chọn địa điểm tổ chức, sau đó là chọn món ăn để giới thiệu đến du khách. Trong hệ thống của chúng tôi, các món ngon là thế mạnh của đơn vị nào thì mới cử đại diện đó đi và chỉ đưa ra những món ăn chuẩn vị Việt Nam. Ngay như với tiêu chí "món ăn đường phố", chúng tôi cũng chỉ chọn bánh mì, vốn được thế giới công nhận", đại diện Saigontourist Group chia sẻ.
Giám đốc một công ty du lịch cũng cho biết các lễ hội ẩm thực dành cho du lịch cần phải đảm bảo yếu tố hài hòa giữa ẩm thực và văn hóa, luôn dành không gian để những thực khách đến có thể thưởng thức, hiểu hơn về nguồn gốc các món ăn, nhận biết được nét đặc trưng.
"Với mục tiêu quảng bá, làm lễ hội giới thiệu văn hóa ẩm thực thì các gian hàng tham gia phải ghi đầy đủ thông tin như tên thương hiệu, địa chỉ bán hàng bên ngoài lễ hội, hoặc đầu bếp hoặc nghệ nhân tham gia chế biến tại lễ hội và quan trọng giá bán phải hợp lý", vị này cho biết.
Mỗi năm, TP.HCM có hàng trăm hội chợ, lễ hội ẩm thực lớn nhỏ khác nhau và ẩm thực Việt Nam luôn là một sản phẩm du lịch trọng tâm được ngành du lịch khai thác khi thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá. Thử so sánh với các lễ hội ẩm thực của các nước như ẩm thực Thái Lan, Hàn Quốc... dễ thấy, chất lượng món ăn, quy mô làm bài bản hơn nhiều.
"Lễ hội" là phải tạo được một trải nghiệm du lịch và ẩm thực thú vị cho mọi người cùng thưởng thức, khác với tính chất một "hội chợ". Để ăn một món ngon, người ta được thôi thúc đến khám phá đất nước đó, chứ không phải là những cái lắc đầu ngao ngán.
Sau một năm chịu áp lực tăng lạm phát và sức mua giảm, các doanh nghiệp ngành F&B đang dần lấy lại đà hồi phục bằng chính sách giá phải chăng. Đây cũng được coi là xu hướng tiêu dùng mới.