Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu đã công bố động thái này trong bài phát biểu về chính sách hàng năm của ông hôm 25/10, nói rằng sẽ cấp 20.000 HKD (2.556 USD) cho cha mẹ của mỗi em bé sinh ra từ nay đến năm 2026 trong nỗ lực nâng "tỷ lệ sinh thấp kéo dài" của thành phố. Tỷ lệ sinh của Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,9 trẻ trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2,1 cần thiết để đảm bảo dân số ổn định.
Ông Lý Gia Siêu cho biết: "Sinh con là một quyết định quan trọng trong đời và cần phải cân nhắc tới nhiều vấn đề", khi ông công bố một loạt biện pháp hỗ trợ tài chính, trong đó có động thái cắt giảm thuế trước bạ đối với người mua nhà từ 15% xuống 7,5%.
Khoản tài trợ này được đưa ra cùng với các ưu đãi thuế hiện có dành cho những người mới làm cha mẹ, những người được giảm thuế hàng năm cho mỗi đứa trẻ, cùng với một khoản khấu trừ bổ sung cho trẻ sơ sinh.
Mặc dù khoản tài trợ này có vẻ "hào phóng" nhưng nó lại thiếu một số ưu đãi vốn đang được cung cấp tại các quốc gia khác ở Đông Á cũng đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp.
Singapore (tỷ lệ sinh 1,05) cung cấp khoản hỗ trợ 8.036 USD cho cả đứa con đầu tiên và đứa con thứ hai và 9.497 USD cho đứa con thứ ba, cùng với 4 tuần nghỉ phép đối với người cha khi vợ sinh con (tối đa 16 tuần đối với thai sản), thời gian nghỉ chăm sóc trẻ sơ sinh không lương và giảm thuế cho các bà mẹ đang đi làm.
Tỷ lệ sinh của Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,9 trẻ trên mỗi phụ nữ. (Ảnh: Alamy)
Hàn Quốc (tỷ lệ sinh 0,78) hiện cấp 518 USD mỗi tháng cho đến khi trẻ được một tuổi, và con số này dự kiến sẽ được tăng lên 740 USD vào năm tới.
Ở Nhật Bản (tỷ lệ sinh 1,3), cha mẹ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng 107 USD cho mỗi trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đối với mỗi đứa trẻ từ ba tuổi đến trung học phổ thông, cha mẹ nhận được 66,7 USD mỗi tháng.
Hầu hết các bậc cha mẹ ở Hong Kong (Trung Quốc) khi nói chuyện với phóng viên CNN đều cảm thấy biện pháp khuyến khích sinh con mới nói trên sẽ không đủ để khuyến khích họ sinh thêm con, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt cao tại đây, một thành phố thường đứng đầu danh sách những nơi đắt đỏ nhất châu Á. Nhiều cư dân ở thành phố nổi tiếng đắt đỏ này cho rằng số tiền 2.556 USD chỉ đủ để trả tiền thuê nhà một tháng.
Hong Kong (Trung Quốc) trợ cấp giáo dục từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, nhưng chi phí nhà trẻ, thường kéo dài trong một hoặc hai năm trước khi học mẫu giáo, thường không được hỗ trợ
Giáo sư Paul Yip Siu-fai, chuyên gia nghiên cứu sức khỏe dân số tại Đại học Hong Kong, nhận định, việc hỗ trợ tiền mặt một lần này sẽ không giải quyết được mối lo ngại tài chính lâu dài của các bậc phụ huynh.
Ông nói: "Có ba vấn đề cần cân nhắc khi sinh con, đó là sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục chúng".
Ông Paul Yip Siu-fai cho biết, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cần phải làm nhiều hơn để giúp đỡ các bậc cha mẹ trong hai giai đoạn thứ hai, chẳng hạn như khuyến khích môi trường văn phòng thân thiện, tạo điều kiện tốt hơn cho các bậc cha mẹ, cnhư đưa ra các mô hình giờ làm việc thay đổi linh hoạt.
Nhiều người có thu nhập thấp hơn phải đối mặt với sự lựa chọn bất khả thi, vì họ không đủ khả năng chăm sóc trẻ em khi đi làm, nhưng cũng không đủ điều kiện nghỉ làm để chăm sóc con của họ.
Xem thêm: nhc.498821180720132881-dsu-0052-noh-noc-hnis-iom-em-ahc-gnat-couq-gnurt-gnok-gnoh/nv.fefac