Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều đại biểu và chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình phải nâng chuẩn an toàn với chung cư mini nhưng lại cho rằng thủ tục cấp phép dự án đầu tư chung cư mini để bán, cho thuê cần đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân, hộ gia đình có nhu cầu xây dựng chung cư mini để bán, cho thuê.
Cần đặt tính mạng người dân lên hàng đầu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) nhấn mạnh ủng hộ bổ sung hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà chung cư mini khi vừa huy động được các nguồn lực xã hội phát triển nhà ở, vừa tạo điều kiện để một bộ phận người dân còn khó khăn ở khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản linh hoạt.
Tuy nhiên dự thảo quy định về nội dung này chưa đầy đủ và được quy định theo hướng phát triển nhà ở thương mại, trừ trường hợp xây nhà dưới 20 căn hộ chỉ để cho thuê, đồng thời quản lý sử dụng như nhà chung cư.
"Quy định như vậy chưa thật phù hợp, rất khó khả thi. Đã là cá nhân thì khó đáp ứng các điều kiện như đối với chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại", ông Luận đề nghị sửa đổi theo hướng Nhà nước tập trung quản lý theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ...
Đồng thời đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất, có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nhận định thực tế chung cư mini đã góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân. Song ông Thanh cũng cho rằng chung cư mini đang cho thấy những rủi ro khá lớn do kẽ hở của pháp luật và quản lý của cơ quan chức năng.
Với nội dung dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ, ông Thanh nói điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Hơn nữa, điều này cũng đặt ra vấn đề một số các thủ tục dự án nhà ở loại này không phải thực hiện như giao đất, cho thuê đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế, cơ sở thẩm duyệt, PCCC, nghiệm thu PCCC... Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất cho phép cấp giấy chứng nhận với từng căn hộ như chung cư thông thường.
Ông Thanh đánh giá nếu chính sách này được thông qua sẽ dẫn đến chung cư mini phát triển rầm rộ, không chỉ vấn đề an toàn PCCC mà còn liên quan đến giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội như trường học, y tế, hành chính, dịch vụ...
Từ thực tế đó, ông Thanh đề nghị cần đặt tính mạng người dân lên trên hết và coi trọng đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt cho người dân. Cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện để hình thành cũng như kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, đặc biệt các chung cư mini để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cần có quy hoạch, thực hiện đúng quy hoạch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cũng chỉ rõ hiện nay chưa có khái niệm về chung cư mini trong luật. Điều quan trọng nhất đối với loại hình nhà này là cần có quy hoạch phù hợp và thực hiện đúng quy hoạch, đúng giấy phép.
Bên cạnh đó phát triển loại hình này nhưng vẫn đảm bảo đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đặc biệt, nếu xây dựng để kinh doanh thì các điều kiện phải khắt khe, đúng quy định chứ không được linh hoạt, "lách luật".
"Tạo điều kiện cho người dân kinh doanh song phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu. Đồng thời, kiểm tra phải chặt chẽ, nghiêm túc. Tuy nhiên hiện nhiều trường hợp đang "lách luật", cải biên, áp dụng nhà ở riêng lẻ để kinh doanh theo hướng chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn và việc kiểm tra chưa chặt chẽ nên mới xảy ra câu chuyện như vừa qua", ông Sơn nêu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng thực tế nhà chung cư mini là do người dân có đất, tự xây chung cư mini và bán lại nên gọi đó là chung cư mini. Do đó, việc dự luật đưa ra các quy định xây dựng, sửa chữa, cải tạo chung cư mini như một dự án nhà ở là phù hợp, đảm bảo việc quản lý hiệu quả hơn.
Cũng theo đại biểu Cường, chung cư mini cần điều chỉnh hai vấn đề. Thứ nhất là sửa chữa, cải tạo theo tiêu chuẩn của chung cư với những dự án đã xây dựng rồi. Theo đó, với các chung cư mini "có lỗi" từ chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước thì việc "sửa lỗi" này không phải là chuyện chấp nhận sửa sai mà quan trọng nhất là phải khắc phục để đảm bảo đời sống người dân, điều kiện tối thiểu cho đời sống.
Ông Cường cũng cho rằng không thể và không nên hợp thức hóa nhà chung cư mini xây dựng không đúng quy định trước đây, đồng thời cần có giải pháp phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Theo đó, không phải là phát triển chung cư mini mà phải có kế sách để người thu nhập thấp có thêm thu nhập, xây dựng nhà ở giá rẻ hơn...
"Không nên làm nhà thật nhỏ, thấp, bé và mất an toàn để cho người thu nhập thấp, bởi như vậy chúng ta lại đặt đời sống của họ dưới mức tối thiểu", đại biểu Cường nói.
Dự luật liên quan chung cư mini:
- Cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có thiết kế căn hộ, hoặc từ 2 tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, đáp ứng quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng; có thiết kế, thẩm duyệt PCCC và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn PCCC theo quy định.
- Việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật với dự án xây dựng nhà ở.
- Giao dịch bán, mua, cho thuê căn hộ thực hiện theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
- Giấy chứng nhận với từng căn hộ thực hiện theo Luật Đất đai.
- Quản lý, vận hành chung cư mini phải tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
- Trường hợp từng căn hộ trong chung cư mini đã được cấp giấy chứng nhận, chủ sở hữu của căn hộ này vẫn phải thực hiện các quyền theo quy định pháp luật về nhà ở; vi phạm về xây dựng, PCCC sẽ bị xử lý; các căn hộ trong chung cư mini không được cấp giấy chứng nhận; việc xử lý giao dịch về nhà ở thực hiện theo Bộ luật Dân sự.
Chung cư mini không có lỗi, lỗi ở con người
Không nên nghĩ khi có sự cố xảy ra với chung cư mini thì cấm bởi loại hình nhà ở này không có tội. Điều quan trọng nhất là bất cứ loại hình nhà ở nào cũng phải đáp ứng điều kiện về kỹ thuật, an toàn. Chung cư mini cũng là một dạng chung cư nhưng do chưa có các quy định cụ thể nên chủ đầu tư "lách luật", chưa làm đầy đủ trách nhiệm. Điều quan trọng là cần có các tiêu chí để các sản phẩm đưa ra thị trường phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, người sử dụng dù biết sản phẩm chưa đạt yêu cầu nhưng do yêu cầu quá bức bách nên vẫn phải dùng. Do vậy, ở đây có lỗi của chủ đầu tư, cơ quan quản lý và chính từ người sử dụng. Với các chung cư mini đang có không thể đập, phá mà cần điều chỉnh. Việc đưa vào luật để có các tiêu chí giúp chủ đầu tư yên tâm thực hiện đúng quy định, người dân yên tâm là đang được bảo vệ.
Đại biểu Trần Thị Kim Yến (TP.HCM)
Đang thanh tra toàn diện chung cư mini tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương
Ngày 22-10, Thủ tướng có công điện giao Bộ Xây dựng tổ chức thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà chung cư mini, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 12-2023.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa chỉ đạo Thanh tra bộ chủ trì xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các địa phương thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng chung cư mini những năm qua. Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra tại một số địa phương tập trung nhiều công trình nhà chung cư mini, nhiều cơ sở lưu trú và các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ tại các khu công nghiệp có mật độ người ở cao như Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương. Đến ngày 24-10, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập các đoàn thanh tra hoạt động quản lý xây dựng chung cư mini tại các địa phương này.
Việc thanh tra toàn diện để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành chung cư mini. Thời gian tới sẽ chấn chỉnh việc đầu tư loại hình nhà ở này. Qua thanh tra, Bộ Xây dựng cũng rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý chung cư mini cho phù hợp với thực tế.
Đối với các tỉnh, thành phố còn lại Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc thanh tra theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Bộ Xây dựng và báo cáo kết quả thực hiện về bộ trong tháng 12-2023 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Các nước dần quy định căn hộ rộng hơn
Không gian sống chật chội và giá nhà ở leo thang tại Hong Kong là vấn đề từ lâu gây đau đầu các nhà chức trách. Trong lúc giá nhà, đất vẫn ở ngoài tầm với người lao động, những căn hộ được gọi là "căn hộ nano" với diện tích dưới 24m2 đã thu hút lượng lớn người có nguồn tài chính eo hẹp. Trong đó có những căn hộ 20m2, nhiều căn không có nhà bếp, phòng ngủ thì khép kín hay cửa sổ nằm trong phòng tắm.
Theo tổ chức phi chính phủ Liber Research Community, tính đến năm 2022, các nhà phát triển tư nhân đã xây dựng hơn 10.000 căn hộ nano có diện tích dưới 24m2 trong 10 năm. Các nhà phát triển cho biết giá bất động sản cao đã buộc họ phải xây dựng những ngôi nhà nhỏ để có giá cả phải chăng cho nhiều người mua hơn. Tuy nhiên theo báo SCMP, vào tháng
12-2022, chính quyền Hong Kong cho biết họ quyết định đáp ứng nguyện vọng của người dân là được sống trong căn hộ lớn hơn và yêu cầu các nhà phát triển bất động sản phải xây căn hộ có diện tích không nhỏ hơn 26m2.
Nhiều nơi khác cũng đề ra quy định về diện tích tối thiểu của căn hộ, nhằm giải quyết sự phát triển quá mức của các căn hộ siêu nhỏ. Singapore công bố quy định về kích thước trung bình căn hộ vào năm 2012. Tới năm 2018, quy định chốt con số trung bình là 85m2.
Chính phủ Anh cũng đã công bố tiêu chuẩn không gian cho các căn hộ mới kể từ năm 2015. Tiêu chuẩn này không có kích thước căn hộ tối thiểu được tiêu chuẩn hóa vì nó linh động tùy theo số lượng người cư trú dự kiến. Chẳng hạn, diện tích tối thiểu của căn hộ một phòng ngủ cho một người là 37m2 và được tăng lên 50m2 cho hai người.
Nên cấp phép chung cư mini ở đâu?
Theo luật sư Trương Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc cấp phép xây dựng chung cư mini cần căn cứ vào mật độ dân cư, hạ tầng xã hội cụ thể của từng khu vực đô thị; nếu mật độ dân cư, các điều kiện tiếp cận về y tế, giáo dục, điện nước của khu vực đô thị cho phép nén thêm dân cư thì có thể cấp phép và ngược lại. Mặt khác, khi cấp phép chung cư mini cần những tiêu chí cấp phép khác với các dự án chung cư quy mô lớn, thủ tục cũng đơn giản hơn.
Ông Nguyễn Chí Thanh - tổng giám đốc Công ty cao ốc quốc tế Hồ Tây - cho rằng xây dựng chung cư mini tại những ngõ nhỏ, phố nhỏ ở trung tâm các đô thị chỉ nên khuyến khích cho thuê. Việc phát triển chung cư mini tại các đô thị hiện nay phải tính tới tính đồng bộ, bảo đảm điều kiện sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội chứ không chỉ giải quyết chỗ chui ra chui vào. Phải tính tới việc nâng dần điều kiện chỗ ở cho người dân. Chung cư là ngôi nhà chung nên chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, phải quản lý, chứ không thể xây căn hộ xong bán cho người dân rồi "lượn" đi.
Ngoài góp ý về chung cư mini, các đại biểu cũng bàn về một số vấn đề về nhà ở khác trong dự Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tổng liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội?
Quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình hai phương án. Phương án 1, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án để cho thuê. Phương án 2, chưa quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành việc trao quyền cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội nhưng đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội, tránh tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết trong khi nhiều đối tượng khác có nhu cầu nhưng không thể thuê vì không phải là "công nhân, người lao động". Thay vào đó, chỉ nên quy định "ưu tiên" cho "công nhân, người lao động".
Giơ biển tranh luận với các đại biểu đồng tình chọn phương án 1, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng lý giải này chưa thỏa đáng vì công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động, khi thiếu nhà ở cho công nhân thì công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm. Đồng thời bày tỏ băn khoăn khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động? Do đó, ông Cường nói dù đồng tình tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, tuy nhiên đề nghị đây chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác.
Liên quan đến quy định này, trong phần tiếp thu, giải trình Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết về cơ bản các ý kiến đều đồng tình Tổng liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhưng phương thức thế nào đang còn ý kiến khác nhau nên sẽ tiếp thu và có báo cáo lại các đại biểu. Trường hợp quy định vấn đề này trong Luật Nhà ở phải có sửa đổi đồng bộ trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để có những quy định chặt chẽ, giúp tổng liên đoàn quản lý chặt dự án và chỉ để cho công nhân thuê.
Nên quy định nhà chung cư có thời hạn
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thời hạn sở hữu, sử dụng nhà chung cư. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), quy định về cải tạo nhà chung cư chưa rõ vì chưa đề cập đến thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trong khi hiện nay đang sinh mâu thuẫn giữa được sở hữu lâu dài vĩnh viễn với thời hạn sử dụng chung cư.
"Đây là vướng mắc, tồn tại lâu năm chưa được tháo gỡ, dẫn tới tình trạng nhiều chung cư cũ 5 - 7 tầng đã xuống cấp trầm trọng nhưng không đập đi xây mới được vì không thỏa thuận được với các hộ dân", ông Hạ nêu.
Tranh luận sau đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng dự luật đã phân biệt rất rõ về thời hạn sử dụng và vấn đề sở hữu. Theo ông, trong quy định hiện hành cũng như trong dự luật, đối với nhà chung cư nói riêng và nhà ở nói chung không có quy định về thời hạn sở hữu.
Ông Ba dẫn chứng, Bộ luật Dân sự năm 2015, điều 214 có quy định riêng về vấn đề xử lý đối với sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư bị tiêu hủy. Đây là cơ sở pháp lý đã rất rõ về vấn đề sở hữu. Tuy nhiên, hiện nay có quy định thêm loại hình nhà chung cư có thời hạn sở hữu hay không cần xem xét kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn.
Giải trình, tiếp thu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự luật phân biệt rất rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư với việc có quy định hay không thời hạn sở hữu nhà chung cư. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Dự luật quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư phải được xác định khi lập đồ án thiết kế nhà chung cư. Đồng thời cũng quy định về kiểm định chất lượng để trên cơ sở kết luận kiểm định sẽ có đánh giá cho ở hay là cần phải phá dỡ để xây dựng lại. Theo ông Tùng, không nên gắn giữa thời hạn sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng đất.
Chiều 26-10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), với các vấn đề mới liên quan tới đầu tư, quản lý chung cư mini được đưa vào dự thảo.