Ngày 25-10, một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tái sinh đô thị" đã diễn ra ở TP.HCM. Tại hội thảo này, báo cáo của TS.KTS Vũ Việt Anh và các cộng sự với đề án chuyển bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) 25ha thành công viên cây xanh đã được sự quan tâm của rất nhiều người.
Đây thực sự là một ý tưởng sáng tạo và đột phá trong bối cảnh TP.HCM quá thiếu cây xanh.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, diện tích cây xanh tính trên đầu người của các đô thị Việt Nam rất thấp, như Hà Nội 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người, Hải Phòng 3,41m2/người, TP Vinh 10,5m2/người, TP Vũng Tàu 10m2/người... và TP.HCM đứng cuối bảng chỉ có 0,55m2/người.
Nhìn ra bên ngoài mới thấy khoảng cách về cây xanh của các TP trên thế giới so với các TP của ta quá xa, chẳng hạn như Singapore có diện tích cây xanh tính trên đầu người là 39m2, Seoul (Hàn Quốc) là 41m2/người, Berlin (Đức) 50m2/người, Matxcơva (Nga) 44m2/người, Paris (Pháp) 25m2/người...
Nhận thấy thực trạng đáng buồn này, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch 2021 - 2025 đầu tư xây dựng mới 10ha công viên và 2ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh hướng đến mục tiêu nâng diện tích cây xanh lên 3-4m2/người.
Nhưng do quỹ đất nội thành gần như cạn kiệt, cộng thêm vào đó là khó khăn về kinh tế nên hầu như mảng xanh không tăng lên được bao nhiêu.
Trong khi đó, việc mất cây xanh vẫn đang tiếp tục diễn ra, chẳng hạn để làm nút giao An Phú, TP Thủ Đức phải di dời, chặt bỏ hơn 1.300 cây xanh hơn 20 năm tuổi; dự án làm đường phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất cũng phải chặt bỏ hơn 100 cây xanh nhiều năm tuổi ở công viên Hoàng Văn Thụ...
Ở TP.HCM hiện có nhiều dự án đã hoặc sắp hết vòng đời sử dụng, như Khu chế xuất Tân Thuận, hay như ba bãi rác đã đóng là Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (quận Bình Tân) và Phước Hiệp (Củ Chi).
Trong bối cảnh quỹ đất sạch của TP.HCM ngày càng ít dần thì những địa điểm trên được coi là "kim cương", vì thế mà những địa điểm này cần được tái sinh một cách hợp lý nhất.
Thật ra, việc biến các bãi rác khổng lồ thành công viên, rừng tự nhiên rất phổ biến trên thế giới và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Mới đây nhất, TP Bangkok đã cải tạo một bãi rác nằm trong nội ô để trở thành một công viên tràn ngập màu xanh mang tên Pa Nai Krung (rừng trong TP).
Việc tái sinh các bãi rác thành công viên không chỉ đảm bảo gia tăng diện tích cây xanh trên đầu người theo quy chuẩn của bộ xây dựng cho TP loại 1 và đặc biệt (7m2/người), đảm bảo thực hiện thành công chương trình 1 tỉ cây xanh của chính phủ mà còn hướng đến các mục tiêu kinh tế và văn hóa xã hội khác như thu hút khách du lịch, giảm khói bụi (đặc biệt là bụi mịn), giảm các loại bệnh tật về hô hấp, gia tăng không gian cho một TP đang trên đường già hóa nhanh.
Các nhà xã hội học đô thị của Mỹ đã chứng minh rằng khi một công viên xuất hiện ở một khu dân cư, các tương tác xã hội tăng lên. Điều đó giúp làm giảm các hành vi lệch chuẩn, giảm căng thẳng tâm lý, tuổi thọ kéo dài bởi ai cũng được thư giãn và vui vẻ.
Vì vậy, với những lợi ích như dự án "tái sinh đô thị" từ bãi rác của TS Vũ Việt Anh, rất đáng được chính quyền, các nhà đầu tư và nhân dân ủng hộ lắm chứ.
Tỉ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP.HCM chỉ đạt 0,55m2/người, trong khi Hà Nội 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người và Hải Phòng khoảng 3,41m2/người.